Kinh doanh phim Việt có dễ... 'chết'? - Kỳ 1: Lận đận… như phim Việt

16/04/2014 09:52 GMT+7

(TNO) Khi nhiều hãng phim - nhà đầu tư tư nhân bắt đầu tham gia làng phim Việt, từ đầu năm 2000 đến nay, ngành kinh doanh phim Việt đã chứng kiến nhiều... 'cái kết' gây sốc.

(TNO) Khi nhiều hãng phim - nhà đầu tư tư nhân bắt đầu tham gia làng phim Việt, từ đầu năm 2000 đến nay, ngành kinh doanh phim Việt đã chứng kiến nhiều... "cái kết" gây sốc.

>> Phim Việt sẽ khuấy động thị trường


        Nghệ sĩ Chánh Tín chia sẻ nợ nần từ việc kinh doanh phim - Ảnh: Thiên Hương


Sự thật về “cái chết” từ Dòng máu anh hùng

Câu chuyện về kinh doanh phim Việt bắt đầu xôn xao trở lại khi NSƯT Nguyễn Chánh Tín đăng đàn kể khổ, rằng do đầu tư quá tay vào tác phẩm “khủng” Dòng máu anh hùng mà suốt 7 năm ròng, ông và gia đình phải chịu cảnh nợ nần, đến nỗi ông phải sắp chịu cảnh không nhà không cửa, đau ốm bệnh tật.

Thông tin này khiến phần đông khán giả giật mình. Những năm gần đây, Dòng máu anh hùng luôn được xem là điểm sáng của điện ảnh Việt thời kỳ đổi mới. Năm 2007, bộ phim ra rạp với sự ủng hộ nhiệt liệt của đông đảo khán giả trong nước.

Doanh thu của Dòng máu anh hùng ước tính vào khoảng 10 tỉ đồng, một con số khổng lồ đối với các tác phẩm điện ảnh được đầu tư và phát hành trong nước vào thời điểm bấy giờ. Ngoài ra, bộ phim còn được một hãng phim của Hollywood là The Weinstein Company mua bản quyền để phát hành ở thị trường Bắc Mỹ, châu Úc và Anh.

Tuy nhiên, đằng sau những thành công được tung hô kia thì chuyện “bếp núc” của Dòng máu anh hùng lại khá lộn xộn, khi những người nhào nặn bộ phim quá kỳ vọng vào một tác phẩm có thể xứng tầm thị trường quốc tế.

Tham vọng cũng khiến một số nhà đầu tư nôn nóng đem bộ phim thi thố trên các trường điện ảnh lớn của thế giới, mà theo nghệ sĩ Chánh Tín thì đó là lý do lớn khiến bản phim Dòng máu anh hùng bị rò rỉ, vướng nạn sao chép lậu, ảnh hưởng lớn đến con số doanh thu của bộ phim.

Được biết, kinh phí đầu tư sơ bộ của bộ phim lên đến hơn 1,5 triệu USD (hơn 20 tỉ đồng với thời giá năm 2007). Trong khi đó, một số chuyên gia của Hollywood nhận định, kinh phí thực hiện bộ phim có thể gấp 10 lần nếu được thực hiện toàn bộ tại Mỹ.

Theo một nhà đầu tư tiết lộ, Dòng máu anh hùng gặp tai nạn, nhưng tai nạn đó không phải là tất cả. Khi dự án Dòng máu anh hùng được đưa lên “cân đo đong đếm”, đa số đơn vị đầu tư đều đồng lòng chấp nhận rủi ro và đến nay vẫn xem đó là thành công của tập thể trong việc giới thiệu một tác phẩm chất lượng cho làng điện ảnh thị trường Việt.

Bên cạnh đó, Dòng máu anh hùng bị rò rỉ bản phim lậu khi bộ phim cũng đã được phát hành trên thị trường trong nước thời gian khá dài, lập được kỷ lục về doanh thu phòng vé thời điểm bấy giờ và thu lại được vào khoảng 50% kinh phí đầu tư. Có chăng là tai nạn này chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát hành bản DVD.

Tuy nhiên, theo nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm - “đầu tàu” của hãng phim Chánh Phương, ngay từ khi lên dự án Dòng máu anh hùng, các nhà sản xuất đã không quá tập trung vào việc phát triển phân phối bản DVD cho thị trường trong nước. Còn tại thị trường quốc tế thì “ông lớn” The Weinstein Company cũng không chịu tác động gì với bản rò rỉ tại Việt Nam này.


Dự án Lửa Phật được công bố là “bom tấn” phim Việt nhưng kết quả kinh doanh không tương ứng - Ảnh: Hãng phim cung cấp

 

Khó làm “anh hùng” của điện ảnh Việt

Không chỉ Dòng máu anh hùng mới gặp rủi ro. Chỉ trong hơn 10 năm qua, làng phim Việt cũng chứng kiến nhiều tác phẩm “bom tấn” nhưng nhanh chóng trở thành bom xịt về doanh thu, thậm chí trắng tay. Nhưng không vì thế mà những nhà đầu tư phải “kêu trời” rồi ôm hận vì đã lỡ "máu me" với canh bạc điện ảnh.

Gần đây nhất, dự án tiền tỉ Bụi đời Chợ Lớn, quy tụ trở lại một số nhà đầu tư đã chinh chiến với Dòng máu anh hùng, hoàn toàn trắng tay khi vướng phải lệnh cấm phát hành từ Cục điện ảnh Việt Nam.

Đã vậy, bộ phim còn liên tục “hứng đá” khi bản nháp bị lộ và lan truyền rộng rãi.

Được biết, scandal xảy ra cách đây hơn một năm này đã khiến một thành viên của hội đồng sản xuất phải nhập viện, thành viên khác thì ngẩn ngơ suốt một thời gian dài, còn đạo diễn Charlie Nguyễn thì ôm nỗi đau “như mất đi chính đứa con của mình”.

Thời điểm Bụi đời Chợ Lớn gặp nạn, đối thủ cạnh tranh Đường đua nổi lên như “diều gặp gió”, nhận được hàng loạt lời ca tụng của báo giới như là dấu son mới của làng điện ảnh, thành công cả về mặt chất lượng lẫn khả năng thu hút khách đến rạp.

Tuy nhiên, ít người biết rằng, mặc dù chỉ là một dự án khá lặng lẽ của một nhà đầu tư mới toanh trên thương trường, được thực hiện bởi một đạo diễn trẻ măng, nhưng để đạt được những lời tán thưởng đó, Đường đua cũng phải chịu tổng kinh phí lên đến hơn 12 tỉ đồng.

Trong khi đó, doanh thu từ tiền bán vé của Đường đua, theo thông tin bên lề (vì đơn vị sản xuất không công bố con số chính xác) cũng chỉ xấp xỉ 1 tỉ.

Quyết định “đặt cược” cho thể loại phim fantasy khá lạ lẫm, các nhà làm phim Lửa Phật, trong đó có “ông lớn” BHD, cũng chịu mức lỗ khủng khi vung tay đầu tư đến hơn 20 tỉ đồng cho bộ phim, trong đó chi mạnh cho phục trang, diễn viên, bối cảnh, hiệu ứng…

Không chỉ đối với các bộ phim hành động, thường phải ôm số tiền đầu tư lớn nhưng nguy cơ thất bại cao, thì nhiều dự án điện ảnh Việt những năm gần đây cũng khá lay lắt khiến các nhà sản xuất luôn trong tình trạng “sống trên chảo lửa”.

Nhiều dự án được người trong cuộc “thổi phồng”, xem như là “tác phẩm để đời”, “tâm huyết hàng chục năm”, “có một không hai”… gây không ít cơn sốt truyền thông nhưng đến khi ra rạp thì tịt ngòi, vì quá.. dở, không phù hợp thị hiếu khán giả trong nước.

Và tất nhiên là doanh thu không đủ trả tiền cát sê diễn viên, khiến không ít nhà sản xuất lúc đầu hăm hở nhảy vào thị trường điện ảnh nhưng rồi… một đi không trở lại! 

Một số “ông lớn” như Chánh Phương, Thiên Ngân, BHD… liên tục gặp tai nạn từ những tác phẩm “bom tấn” như Dòng máu anh hùng, Bụi đời Chợ Lớn, Lửa Phật…, nhưng họ cũng thu lại một khoản không nhỏ từ các bộ phim ăn khách như Bẫy rồng, Cưới ngay kẻo lỡ, Cô dâu đại chiến, Để Mai tính, Tèo Em, Quả tim máu

Riêng hãng phim Sóng Vàng được xem là “vớ bẩm” khi ngay từ dự án đầu tư điện ảnh đầu tiên là Nhà có năm nàng tiên, với kinh phí chỉ 8 tỉ đồng, nhưng lại nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của khán giả, thu được doanh thu ấn tượng là hơn 50 tỉ đồng.

(Còn tiếp)

Vy Hy

>> Dòng máu anh hùng" dự LHP châu Á-Thái Bình Dương tại Mỹ
>> Đã có quyết định thu hồi nhà của NSƯT Nguyễn Chánh Tín
>> Xuất hiện clip tố NSƯT Nguyễn Chánh Tín

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.