Kinh doanh thời đại số: Lên rẫy với chiếc gậy... livestream

29/10/2023 06:00 GMT+7

Vượt núi rừng lên nương canh tác, ngoài những công cụ làm nông thô sơ, bộ áo quần giản dị, thì nay nhiều bạn trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số còn mang theo điện thoại thông minh và… chiếc gậy livestream.

Số lượng bán được gây ngỡ ngàng

Gắn bó với sản vật Tuyên Quang từ nhỏ, Nông Thị Quỳnh (30 tuổi), ngụ xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, sớm hiểu được nỗi khó khăn "được mùa mất giá" của gia đình và người dân. Do đó, cô quyết định ứng dụng chuyển đổi số, mà cụ thể là dùng hình thức livestream, để bán nông sản.

Kinh doanh thời đại số: Lên rẫy với chiếc gậy... livestream - Ảnh 1.

Livestream bán nông sản là hình thức được nhiều người trẻ áp dụng hiệu quả

NÔNG THỊ QUỲNH

"Ở quê mình, bà con bán nông sản rất khó khăn, có thời điểm giá bưởi chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/trái và các loại măng, sâm đất, lúa nương tồn kho rất nhiều, phải bỏ vì hư hỏng. Từ đó, mình bắt đầu tìm hiểu cách quảng bá trên mạng xã hội để tìm hướng đi cho nông sản địa phương", Quỳnh chia sẻ.

Mỗi ngày, Quỳnh mang điện thoại thông minh lên rừng, xuống ruộng quay cảnh canh tác, thu hái nông sản từ sáng sớm đến khuya, thậm chí ngày lễ tết vẫn ra đồng để sáng tạo video. Hiện tại, Quỳnh kinh doanh khoảng 25 - 35 loại nông sản ở Tuyên Quang và một số tỉnh vùng núi phía bắc, trung bình 1 ngày cô có 3 phiên livestream kéo dài từ 2 - 3 giờ đồng hồ. Trong 2 tháng vừa rồi, cô đã bán được 3 tấn sắn dây, 3 tấn trái cây, 2 tấn gạo nương, 2 tấn măng, 1,5 tấn khô cá tép dầu, 60 tấn sâm đất… thông qua hình thức livestream.

Mình tiếp cận được nguồn khách hàng có nhu cầu, bà con cũng có thu nhập cao hơn, không phải lo cảnh bị ép giá. Sắp tới mình sẽ tập trung vào các nông sản chế biến và mua sắm thêm một số thiết bị hỗ trợ cho việc livestream.

ALĂNG BRẮC, ngụ xã Kà Dăng, H.Đông Giang (Quảng Nam)

Cũng mong muốn "mang hương rừng xuống phố", Alăng Brắc (27 tuổi), ngụ xã Kà Dăng, H.Đông Giang (Quảng Nam), đang sử dụng mạng xã hội để bán gạo nương, đậu đen xanh lòng, bột nghệ, mật ong rừng… thu mua của người dân hoặc từ hợp tác xã.

Alăng Brắc kể: "Nông sản ở địa phương có nhiều loại nhưng đa phần bà con sản xuất nhỏ lẻ, chỉ bán thô cho thương lái nên bấp bênh, nhiều lúc bị ép giá. Để tiếp cận thị trường, mình tạo một kênh chia sẻ và ghi hình cảnh thu mua, làm sạch, đóng gói nông sản, sau đó tận dụng các video được lên xu hướng để bán hàng".

Kinh doanh thời đại số: Lên rẫy với chiếc gậy... livestream - Ảnh 2.

Livestream giúp cho nông sản từ mọi vùng miền có thể tiếp cận được nhiều thành phần khách hàng khác nhau

HOÀI THƯƠNG

Brắc cho biết kinh doanh qua nền tảng số rất hiệu quả. Năm ngoái anh thu mua hơn 1 tấn đậu và đã bán hết chỉ trong 1 tuần. "Mình tiếp cận được nguồn khách hàng có nhu cầu, bà con cũng có thu nhập cao hơn, không phải lo cảnh bị ép giá. Sắp tới mình sẽ tập trung vào các nông sản chế biến và mua sắm thêm một số thiết bị hỗ trợ cho việc livestream", Brắc cho hay.

Đẩy mạnh việc livestream bán nông sản từ tháng 5.2022, Nguyễn Hoài Thương (28 tuổi), ngụ H.Vị Xuyên (Hà Giang), cho biết thời điểm trước trà Shan tuyết cổ thụ, thảo quả ít được biết đến nhưng nhờ chuyển đổi số mà nhiều vùng nguyên liệu này được quan tâm.

"Một tuần mình sẽ đăng khoảng 4 video và livestream bán trên các sàn thương mại điện tử. Nhờ hình thức này mà nhiều loại nông sản như trà, thảo quả, cốm, măng khô… được giới thiệu rộng rãi. Năm ngoái, mình đã bán được tới hơn 4 tấn cốm trong 10 ngày livestream", cô gái người Tày này chia sẻ.

Mang lại doanh thu... không tưởng

Chia sẻ về hình thức áp dụng chuyển đổi số vào kinh doanh nông sản, chị Vũ Diệu Thúy, sáng lập viên Học viện đào tạo xây dựng thương hiệu cá nhân Kolin Academy (Hà Nội), cho biết: "Nông sản hiện là một trong những ngành hàng được mở bán và có nhiều tín hiệu tích cực khi xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử. Chính vì vậy, livestream là xu hướng mới rất hiệu quả cho việc quảng bá và kinh doanh nông sản bởi tỷ lệ tiếp cận khách hàng rất lớn, chi phí tối ưu".

Kinh doanh thời đại số: Lên rẫy với chiếc gậy... livestream - Ảnh 3.

Người trẻ lên nương rẫy với điện thoại thông minh và chiếc gậy livestream

NVCC

Chị Thúy cũng cho hay có rất nhiều bạn trẻ là người đồng bào dân tộc thiểu số bắt đầu làm quen với công nghệ, mạng xã hội và xây dựng kênh thành công. Có những kênh đạt hàng triệu lượt theo dõi với nhiều video chia sẻ về cuộc sống đời thường, câu chuyện giản dị tại bản làng hay hoạt động sản xuất của địa phương. Do đó, một phiên livestream có thể đạt từ vài trăm đến hàng ngàn người xem, hàng triệu lượt tiếp cận và nhờ đó doanh số bán hàng cao.

"Rất nhiều cá nhân đã thay đổi cuộc sống bằng việc áp dụng công nghệ không chỉ trong kinh doanh mà còn quảng bá văn hóa địa phương. Đồng thời mang lại doanh số không tưởng nhờ bán nông đặc sản vùng miền kết hợp với du lịch trải nghiệm", chị Diệu Thúy cho biết.

Tuy nhiên, việc kinh doanh nông sản qua nền tảng số cũng gặp không ít khó khăn. Nông Thị Quỳnh bày tỏ: "Bán nông sản khá thách thức vì còn nhiều vấn đề về mặt đóng gói, vận chuyển và cước phí vẫn còn cao gây khó khăn cho việc mua sắm của khách hàng. Thế nên phải biết chịu áp lực và học kỹ năng vận hành thật tốt".

Để thành công trong việc livestream bán nông sản, chị Vũ Diệu Thúy khuyên khi xây dựng kênh đăng tải các video để thu hút người xem cần có hình ảnh nhất quán và tạo được uy tín với khách hàng. Sau đó, tìm hiểu về thuật toán, cách vận hành và quản lý một gian hàng trên mạng xã hội theo quy tắc "đúng - đều - đủ".

"Cần kinh doanh đúng mặt hàng, lựa chọn sản phẩm phù hợp với thị trường, tập trung livestream liên tục để tăng sự hiện diện của mình với khách hàng và biết sắp xếp thời gian để tối ưu phiên livestream một cách hiệu quả. Cuối cùng, đừng ngần ngại nắm bắt cơ hội vì mạng xã hội, thương mại điện tử là mảnh đất màu mỡ cho người trẻ và khi nghiêm túc theo đuổi, sẽ thu được "trái ngọt" xứng đáng", chị Thúy cho hay.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.