3 lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài tránh xa trái phiếu Trung Quốc

06/07/2017 15:07 GMT+7

Lợi suất đầu tư, tính thanh khoản và quy mô khá hấp dẫn nhưng cho đến nay trái phiếu Trung Quốc vẫn không được nhiều nhà đầu tư nước ngoài để mắt đến.

Theo South China Morning Post, ngay sau lễ kỷ niệm 20 năm Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc từ Anh, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông đã tiến hành một bước tiến quan trọng trong việc tự do hóa thị trường vốn, với sự ra mắt chính thức của chương trình Kết nối Trái phiếu (Bond Connect) vào hôm 3.7.
So với các kênh đầu tư hiện tại ở Đại lục, Bond Connect cung cấp một lộ trình tiếp cận vào thị trường trái phiếu lớn thứ ba thế giới trị giá 9.000 tỉ USD hiệu quả hơn, dựa trên các tiêu chí thương mại, thanh toán và sắp xếp giám sát. Qua đó góp phần nâng cao sự tham gia đáng kể của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu so với mức hiện tại dưới 2%.
Về cơ bản, các nhà phân tích Trung Quốc đánh giá thị trường trái phiếu của họ sở hữu quy mô và tính thanh khoản có thể đáp ứng được các dòng đầu tư lớn. Trái phiếu chính phủ trung ương được đánh giá khá cao, xếp hạng AA- theo tiêu chuẩn của Standard & Poor. Nguồn cung dồi dào khoảng 12.000 tỉ nhân dân tệ hiện tại giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt tài sản an toàn trên thị trường toàn cầu, trong khi vẫn có khả năng cung cấp cho các nhà đầu tư tỷ lệ lợi nhuận khá, ở mức 3,5% đối với kỳ hạn 10 năm.
Song tất cả những yếu tố trên vẫn chưa đủ để các nhà đầu tư muốn nắm giữ trái phiếu Đại lục vì ba yếu tố cơ bản. Thứ nhất, cho đến gần đây thị trường trái phiếu Trung Quốc đã bị “đóng cửa” khỏi thị trường vốn toàn cầu. Ngay cả khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, họ cũng không đủ phương tiện để tiếp cận với tài khoản bị hạn chế của quốc gia này.
Thứ hai, từ trước đến nay tài sản nhân dân tệ, cả trái phiếu và cổ phiếu, đều không được đưa vào tiêu chuẩn toàn cầu mãi cho đến khi được tổ chức xếp hạng chỉ số MSCI bổ sung vào chỉ số “thị trường mới nổi” hồi cuối tháng 6.2017. Nếu không có một vị trí trong các chỉ số thế giới, thì không chỉ Đại lục rơi vào trạng thái bị động, mà các nhà đầu tư tích cực cũng không có động cơ rót vốn vì sự mất cân bằng chi phí và lợi ích thu về không như mong muốn.
Cuối cùng, phần lớn các nhà đầu tư tránh xa trái phiếu Trung Quốc do lo ngại về nền kinh tế nước này. Trong những năm gần đây, quốc gia châu Á đang cho thấy sự mất cân bằng kinh tế gia tăng, nợ xấu leo thang và thiếu tiến bộ trong một số cải cách cơ cấu. Những biến động thị trường kết hợp với tình trạng mất giá của tỷ giá hối đoái đã khiến các nhà đầu tư sợ hãi, không nhiệt tình đón nhận động thái tự do hóa mới nhất từ phía Bắc Kinh. Trên thực tế, quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đang đau đầu vì dòng vốn đầu tư trong nước chảy ra ngoài trong suốt hai năm qua.
Trái phiếu và vốn cổ phần là điều kiện tiên quyết nhằm đưa thị trường vốn của Trung Quốc vào hệ thống tài chính toàn cầu, một quá trình được dự đoán sẽ mang lại những thay đổi sâu sắc trên thế giới. Tuy nhiên, các yếu tố trên đã đặt ra thách thức không nhỏ để Bắc Kinh đảm bảo tự do hóa thị trường vốn cũng như biến đổi tâm lý e ngại của các nhà tư. Theo các chuyên gia, cải cách kinh tế là con đường cần thiết cho những thay đổi tích cực. Song, sẽ xuất hiện những bước đi khập khiễng trong quá trình chuyển đổi có thể gây nhiều thương tổn này, đồng thời đòi hỏi những người tham gia bao gồm cả nhà đầu tư và nhà quản lý phải học hỏi, điều chỉnh cũng như thích nghi với các quy tắc mới trong luật chơi thị trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.