6 năm, sai phạm hơn 300.000 tỉ đồng: Còn 17 tập đoàn, tổng công ty làm ăn bết bát

11/05/2018 09:58 GMT+7

Số liệu báo cáo từ các cơ quan đại diện chủ sở hữu (các bộ, UBND các tỉnh) cho biết tính đến hết năm 2016 cả nước còn 583 doanh nghiệp (DN) do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Trong đó có 7 tập đoàn kinh tế, 67 tổng công ty (không tính Tổng công ty công nghiệp tàu thủy VN đang tái cơ cấu), 17 công ty TNHH MTV theo mô hình công ty mẹ - con và 492 DN độc lập thuộc các bộ ngành, địa phương.
Báo cáo Chính phủ cho biết, đến hết 31.12.2016, vẫn còn nhiều “ông lớn” thua lỗ. Cụ thể, có 4 tập đoàn, tổng công ty có báo cáo hợp nhất với tổng số lỗ hơn 1.300 tỉ đồng. Nhiều nhất là Tổng công ty viễn thông toàn cầu (Gtel) với 949,8 tỉ đồng. Tiếp đó là Tập đoàn hóa chất VN (Vinachem) lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất là 335 tỉ đồng. Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) 13,7 tỉ đồng. Còn tính lỗ lũy kế đến hết năm 2016 thì vẫn có tới 17 tập đoàn, tổng công ty có tên trong danh sách này. Trong đó có 3 DN đang gánh những khoản lỗ nghìn tỉ.
Trong số 492 DN độc lập thuộc các bộ, ngành, địa phương thì 40 đơn vị có số lỗ phát sinh trong năm 2016 và 88 DN còn lỗ lũy kế (đến hết năm 2016).
Năm tài chính 2016, tổng doanh thu của 583 DNNN đạt 1,51 triệu tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 140.000 tỉ đồng. Tổng tài sản của khối này tính đến thời điểm trên là 3,053 triệu tỉ đồng và vốn chủ sở hữu là 1,398 triệu tỉ.
So với cách đó 5 năm, quy mô tổng tài sản của DNNN đã tăng 45,8% và tổng vốn chủ sở hữu tăng 92,2%. Tuy nhiên, tổng số nợ phải trả của khối này cũng đã tăng từ con số 1,292 triệu tỉ của năm 2011 lên 1,628 triệu tỉ (tăng 26%).
Tính riêng theo báo cáo hợp nhất (năm 2016) của các tập đoàn, tổng công ty thì tổng vốn của 74 DN này là 1,239 triệu tỉ, tăng 70% so với năm 2011. Thế nhưng, tổng doanh thu lại giảm tới 15% so với mốc thời gian trên, khi chỉ đạt 1,134 triệu tỉ. Lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng giảm 9% so với 5 năm trước, đạt 122.773 tỉ đồng.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng: Tình trạng thua lỗ của các DNNN không bắt nguồn từ việc thiếu thanh tra, giám sát mà bắt nguồn chính từ năng lực bộ máy tổ chức của tập đoàn tổng công ty và việc kiểm tra thường xuyên của hội đồng quản trị. Vấn đề là chọn người đại diện sở hữu tài sản nhà nước tại các DN như thế nào để sử dụng hiệu lực, hiệu quả nguồn vốn này. Đây cũng chính là một trong những nội dung mà Hội nghị T.Ư đang liên quan tới việc thuê người có năng lực để quản lý DNNN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.