Theo CNN, bên cạnh việc xử lý căng thẳng với Triều Tiên, ông Moon còn gánh tiếp nhiều vấn đề kinh tế lớn. Dưới đây là ba trong số đó.
Căng thẳng với Trung Quốc
Hàn Quốc gần đây làm phật lòng Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này, với việc đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ trên lãnh thổ Hàn. Trung Quốc phản ứng bằng một loạt biện pháp trả đũa kinh tế, bao gồm việc cắt giảm các chuyến du lịch, gây áp lực lên hoạt động của nhiều doanh nghiệp lớn xứ Hàn.
Ông Moon, người chỉ trích việc triển khai hệ thống phòng thủ trên, có thể là cơ hội để tái thiết quan hệ hai nước. Tân Tổng thống cho hay ông sẵn sàng đàm phán với cả Trung Quốc và Mỹ về vấn đề này.
Đe dọa thương mại từ Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và đang làm giới chức xứ Hàn lo ngại vì những bình luận gần đây về hiệp ước thương mại tự do giữa hai nước, mô tả đây là thỏa thuận “khủng khiếp”. Tháng trước, Tổng thống Mỹ cảnh báo rằng ông có ý định tái đàm phán hoặc chấm dứt thỏa thuận vốn có hiệu lực từ năm 2012.
Các bình luận của ông Trump đến sau khi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence phàn nàn tại Seoul rằng doanh nghiệp Mỹ ở Hàn Quốc “phải đối mặt quá nhiều rào cản trong việc thâm nhập, những vấn đề ảnh hưởng đến sân chơi chung, gây bất lợi cho lao động và tăng trưởng Mỹ”.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng một cuộc cải cách lớn hoặc hủy bỏ thỏa thuận thương mại sẽ là cú sốc lớn đối với các nhà xuất khẩu Hàn Quốc. Dù vậy, chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ tiếp cận một cách thận trọng bất kỳ cuộc đàm phán chính thức nào vì Hàn Quốc vẫn là đồng minh quan trọng trong khu vực. Seoul cho hay sau nhận xét của ông Trump rằng họ chưa nhận được yêu cầu chính thức nào về việc tái đàm phán thỏa thuận thương mại.
Tham nhũng
Ông Moon lên cầm quyền sau vụ bê bối tham nhũng lớn khiến hàng trăm người Hàn Quốc xuống đường biểu tình còn cựu Tổng thống Park Geun-hye thì bị luận tội. Bê bối tham nhũng cũng làm điêu đứng một vài doanh nghiệp lớn nhất nước này. Ông Lee Jae-yong, người thừa kế tập đoàn Samsung, hiện còn bị truy tố về tội hối lộ và các cáo buộc tham nhũng khác.
Ông Lee bác bỏ những cáo buộc trên song vụ bê bối khiến công chúng tức giận Samsung và các tập đoàn gia đình trị lớn, hay còn gọi là chaebol. Giới chaebol còn bị cho là yếu tố tổn hại sự đổi mới và hoạt động kinh doanh của đất nước bằng cách chèn ép doanh nghiệp nhỏ hơn.
“Cải cách chaebol sẽ thúc đẩy tăng trưởng năng suất trong toàn bộ nền kinh tế”, Capital Economics viết trong một nghiên cứu công bố trước cuộc bầu cử. Tuy nhiên, Capital Economics cũng cảnh báo rằng quy mô và tầm quan trọng của chaebol chính là yếu tố khiến việc thay đổi đáng kể chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian.
tin liên quan
4 rủi ro của kinh tế Hàn QuốcViệc Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất loại bớt một yếu tố thiếu chắc chắn đặt ra với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, song hiện vẫn còn nhiều vấn đề vây quanh kinh tế nước này.
Bình luận (0)