Các nhà bán lẻ Mỹ đang phá sản với tốc độ kỷ lục

25/04/2017 20:43 GMT+7

Chỉ trong khoảng ba tháng, đã có 14 chuỗi cửa hàng Mỹ tuyên bố họ sẽ tìm kiếm sự bảo vệ từ pháp luật để phá sản.

Bloomberg dẫn phân tích do S&P Global Market Intelligence thực hiện cho biết con số 14 chuỗi cửa hàng chật vật là gấp đôi so với tình hình trong cả năm 2016. Rất ít phân khúc bán lẻ chứng minh được sự ''miễn dịch'' đối với cơn bão phá sản, vốn tràn từ những cửa hàng bán giày giảm giá, cửa hàng bán sản phẩm ngoài trời đến các nhà bán lẻ thiết bị điện tử tiêu dùng.
Nhiều nhà bán lẻ Mỹ đang đóng cửa chi nhánh với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết trong nỗ lực cố gắng bỏ bớt số lượng lớn không gian kinh doanh, chuyển bớt hoạt động làm ăn sang trực tuyến. S&P cho rằng chính khó khăn tài chính là lý do khiến các hãng bán lẻ thiếu khả năng thích ứng với áp lực từ thương mại điện tử.
CEO Urban Outfitters Richard Hayne cũng vừa nói như trên trong cuộc họp với các nhà phân tích. Theo ông Hayne, hiện có quá nhiều cửa hàng, nhất là cửa hàng bán quần áo. “Điều này tạo ra bong bóng, hệt như bất động sản. Bong bóng đó vừa nổ tung. Chúng ta đang nhìn thấy hậu quả: các cửa tiệm đóng cửa và tiền thuê giảm dần. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai gần và thậm chí có thể tăng tốc”, CEO Urban Outfitters nói.
Số vụ phá sản trong ngành bán lẻ Mỹ chạm mức kỷ lục trong ba tháng đầu năm 2017 Ảnh: Bloomberg
Giám đốc dịch vụ rủi ro Jim Elder của S&P Global Market Intelligence nhận định tình hình trong quý 1/2017 chỉ ra rằng ngành bán lẻ Mỹ chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự phục hồi nhanh chóng. Sears Holdings, Bon-Ton Stores và Perfumania Holdings là các công ty dễ bị tổn thương nhất trong năm nay, theo phân tích giới doanh nghiệp bán lẻ của S&P. Sears thừa nhận trong hồ sơ công bố hồi tháng 3 rằng hãng “nghi ngờ đáng kể” về tương lai của chính mình. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch thì nêu tên Nine West Holdings, Claire’s Stores và chuỗi bán lẻ quần áo trẻ em Gymboree trong danh sách đối mặt nguy cơ lớn.
Theo S&P, các trung tâm mua sắm, cửa hàng bán lẻ đồ điện tử và shop thời trang thuộc nhóm vướng nguy cơ phá sản cao nhất. Phân khúc cửa hàng bán thực phẩm và trang trí nhà cửa thuộc nhóm chịu nguy cơ thấp nhất.
Nhiều nhà bán lẻ thời trang chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. The Limited, Wet Seal, BCBG Max Azria và anity Shop đều nộp đơn tìm kiếm sự bảo vệ từ tòa án trong năm nay. Nạn nhân mới nhất của cơn bão phá sản là chuỗi cửa hàng giày Payless, hãng mới nộp đơn xin phá sản vào ngày 4.4 và cho hay sẽ đóng cửa 400 chi nhánh. Rue21 rất có thể là cái tên kế tiếp khi nhiều nguồn tin cho hay hãng may mặc dành cho lứa tuổi thiếu niên này sắp tuyên bố phá sản trong tháng 4.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.