Theo Bloomberg, trong phân khúc bình dân, chuỗi cửa hàng giày Payless phổ biến vừa đệ đơn xin phá sản và thông báo kế hoạch đóng cửa hàng trăm chi nhánh. Ở phân khúc cao cấp, thương hiệu thời trang xa xỉ Ralph Lauren cho hay họ sẽ đóng cửa cửa hàng quan trọng là Fifth Avenue Polo ở thành phố New York. Cửa hàng này là biểu tượng của thời trang xa xỉ nhưng cũ kỹ, vốn không còn phù hợp với xu hướng tiêu dùng ngày nay.
Hãng bán lẻ quần áo thanh thiếu niên Rue21 có thể là đơn vị kế tiếp. Chuỗi bán lẻ này có khoảng 1.000 chi nhánh và đang chuẩn bị nộp đơn xin phá sản trong tháng này. Chỉ mới vài năm trước, công ty còn được bán cho hãng tư nhân Apax Partners với giá khoảng 1 tỉ USD.
Nhà phân tích Noel Hebert của Bloomberg Intelligence cho hay: “Đây là ngành công nghiệp vẫn đang đi tìm câu trả lời. Tôi không biết liệu có bao nhiêu trung tâm mua sắm có thể tự đổi mới”.
Sự lao dốc chóng mặt của rất nhiều nhà bán lẻ khiến không ít trung tâm thương mại dư đến hàng trăm chỗ trống. Dù vậy, nỗi đau ngành này có thể chỉ mới bắt đầu. Hơn 10% diện tích bán lẻ của Mỹ có thể cần được đóng cửa hoặc tái thương lượng để có giá thuê thấp hơn trong nhiều năm tới.
|
Ngành bán lẻ lao dốc cũng tác động đến công ăn việc làm. Theo số liệu mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, các hãng bán lẻ nước này cắt giảm khoảng 30.000 việc làm trong tháng 3. Đây là mức tinh giảm nhân sự ngang bằng với tháng 2, đánh dấu hai tháng tệ nhất kể từ năm 2009.
CEO Urban Outfitters Richard Hayne không ngại chia sẻ thẳng trên truyền thông hồi tháng trước. Nhiều trung tâm mua sắm và quá nhiều cửa hàng mọc lên trong những năm gần đây, song họ chỉ bán có cùng một thứ: quần áo. “Điều này tạo ra bong bóng. Giống như bong bóng bất động sản, chúng đang nổ tung. Chúng ta đang nhìn thấy hệ quả: cửa hàng đóng cửa còn giá thuê đi xuống. Xu hướng này sẽ tiếp diễn trong tương lai gần, thậm chí có thể tăng tốc”.
Hiện tốc độ đóng cửa cửa hàng so với cùng kỳ năm ngoái ở Mỹ đang ở mức cao nhất từ năm 2008 - thời điểm đợt suy thoái kinh tế đang lên cao. Khoảng 2.880 cửa hàng đóng cửa từ đầu năm đến nay, trong khi cùng kỳ năm 2016, có 1.153 cửa hàng biến mất. Cả năm nay, ngành bán lẻ Mỹ có thể mất 8.640 cửa hàng. Con số trên cao hơn mức đỉnh điểm là 6.200 vào năm 2008.
Những vụ phá sản góp phần gia tăng xu hướng trên. Payless đang đóng cửa 400 cửa hàng trong tổng số 4.000 chi nhánh với tổng cộng 22.000 nhân viên. HHGregg, Gordmans Stores và Gander Mountain đều phá sản trong năm nay. Hãng RadioShack thì cũng đang chuẩn bị phá sản lần thứ nhì trong hai năm. Một số doanh nghiệp khác cũng đang cật lực giảm bớt số chi nhánh là Sears Holdings, Macy’s và J.C. Penney.
tin liên quan
Cuộc khủng hoảng 48 tỉ USD trong ngành bán lẻ MỹTheo báo cáo nghiên cứu của hãng Morningstar, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng trung tâm thương mại của Mỹ sẽ kết thúc.
Bình luận (0)