Bộ trưởng Công thương: 'Với CPTPP, Việt Nam có nhiều điểm lợi thế hơn cả TPP'

24/01/2018 12:32 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, những lợi ích mà CPTPP mang lại không chỉ là con số tăng trưởng GDP trực tiếp, mà quan trọng hơn, sức ép thúc đẩy cải cách thể chế sẽ tạo ra động lực tăng trưởng lớn hơn.

Trả lời Thanh Niên tối 23.1, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho hay,  11 quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ tiến hành ký kết chính thức vào ngày 8.3 tới tại Chile.
Thưa ông, sau hội nghị tại Đà Nẵng, những vấn đề lớn nào còn vướng mắc giữa các bên chưa được giải quyết để tới hôm nay, các nước mới thống nhất sẽ ký kết CPTPP?
Sau hội nghị tại Đà Nẵng, một số vấn đề còn nổi cộm là câu chuyện Mexico đòi chúng ta phải thực thi vấn đề tranh chấp lao động và thành lập công đoàn cơ sở. Khi Mỹ rút thì xuất hiện Mexico đặt ra các yêu cầu này đối với chúng ta.
Hội nghị tại Đà Nẵng là đỉnh điểm căng thẳng vấn đề này. Chúng ta yêu cầu với điều kiện của Việt Nam, với quy trình làm luật của chúng ta, cần có thời gian. Dù rất căng thẳng nhưng ta vẫn cương quyết bảo vệ các điều kiện cần thiết cho Việt Nam. Khi đó, Mexico và các nước thống nhất về một gói là cần thêm thời gian nhưng cụ thể thời gian bao lâu thì chưa rõ.
Cùng với đó là phát sinh câu chuyện Canada yêu cầu phải có ngoại lệ văn hóa. Họ muốn có những ngoại lệ liên quan đến mở cửa các sản phẩm văn hóa và điều này dẫn đến mâu thuẫn với Nhật Bản. Thế thì lúc đó, Việt Nam đã tạo nên cách tiếp cận cân bằng và đưa ra gợi ý là sẽ có hình thức thư song phương để giải quyết câu chuyện giữa Nhật và Canada.
Bên cạnh đó, do Mỹ rút khỏi TPP nên các sản phẩm công nghiệp ô tô của Canada gặp khó trong cách tính tỷ lệ xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan nên họ muốn được điều chỉnh.
Cuối cùng, với nỗ lực của nước chủ nhà Việt Nam cùng với sự tích cực của Nhật Bản thì hôm qua, các nước CPTPP cũng đã đi đến thống nhất và ghi nhận những điểm khác biệt về cơ chế giám sát dệt may, tranh chấp lao động và công đoàn, sở hữu trí tuệ, khác biệt văn hóa.
Vậy đối với Việt Nam, nội dung nào chúng ta đạt được lợi thế so với khi đàm phán trong TPP?
Trong TPP, Mỹ đòi hỏi chúng ta phải có cải cách trong vấn đề công đoàn và lao động. Cụ thể là quyền để người lao động đàm phán tập thể và câu chuyện lập công đoàn công sở. Đó là những nội dung ta khó khăn trong đàm phán với Mỹ trong TPP 12.
Khi đàm phán TPP 12, chúng ta đã thống nhất sẽ cải cách với lộ trình thực thi 8 công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) trong thời gian nhất định. Họ yêu cầu các chế tài khắt khe trong xử lý tranh chấp với chương lao động trong 3 năm, là nếu ta không thực thi thì phải chịu các hình phạt thương mại.
Khi Mỹ rút khỏi TPP thì xuất hiện yêu cầu của Mexico là Việt Nam phải thực hiện cam kết tương tự. Thậm chí họ cương quyết hơn là không cần lộ trình sau 3 năm. Điều này rất căng thẳng trước thềm hội nghị APEC ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi đó chúng ta cương quyết với trình độ của Việt Nam, cộng với quy trình làm luật của Việt Nam thì cần thời gian nhất định để thực thi và đàm phán rất căng thẳng.
Kết quả là, các nội dung này chúng ta đã được lợi thế ở mức cao hơn cả TPP. Cụ thể là chúng ta có khoảng thời gian 5 năm miễn trừ trừng phạt thương mại và thêm 2 năm của rà soát pháp lý. Điều này không có nghĩa là ta trù trừ bằng mọi giá, mà quan trọng là chúng ta có đủ thời gian để hoàn thiện thể chế và đảm bảo các điều kiện khuôn khổ thực hiện có hiệu quả, mà vẫn đảm bảo các mục tiêu của quốc gia.
Đến nay đã có những đánh giá lại về tổng thể các lợi ích cũng như hạn chế của chúng ta khi tham gia CPTPP, so với TPP có Mỹ chưa?
CPTPP dù không có Mỹ nhưng vẫn là hiệp định tự do thế hệ mới với chất lượng cao. Đó là xóa bỏ hàng rào thuế quan, đòi hỏi cải cách rất cao về cải cách thể chế. Chính vì vậy, dù không có Mỹ, thì theo tính toán sơ bộ của một đơn vị thuộc Bộ KH-ĐT, nó sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng thêm trên dưới 2% GDP.
Nhưng quan trọng hơn là các lợi ích chưa tính toán được đến từ thúc đẩy cải cách thể chế. Đấy là điều quan trọng. Vì nó tạo ra sự thúc ép về cạnh tranh cho cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế để chúng ta có tăng trưởng bền vững hơn, theo xu thế bắt buộc phải bơi.
Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta cần một quá trình đánh giá toàn diện và cụ thể hơn vì trên thực tế, hiệu quả tăng trưởng GDP không chỉ đến từ xuất nhập khẩu mà còn trong hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ... Và đặc biệt, những cải cách thể chế sẽ là động lực tăng trưởng.
Ông có thể dẫn chứng về những thay đổi của cải cách thể chế mà CPTPP sẽ thúc ép chúng ta phải làm và nó cho thấy dư địa lớn để tăng trưởng kinh tế?
Ví dụ cải cách khối doanh nghiệp nhà nước. Vì cải cách tốt thì không chỉ giải phóng nguồn lực mà còn tạo cơ hội thị trường cho các thành phần khác, nhất là trong khi ta đang chủ trương phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ nữa là nó giúp cho chúng ta hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường. Lúc đó các vận hành của Chính phủ trong các khu vực như xăng dầu, điện... sẽ có những cải cách, bước đi mạnh mẽ.
Hôm nay ông đón nhận thông tin sẽ ký kết CPTPP trong tâm trạng thế nào?
Ngày hôm nay tin vui chiến thắng của Đội tuyển U.23 là tuyệt vời mà không có người dân nào có thể bàng quang, không bộc lộ cảm xúc. Nhưng bên cạnh đó, tôi thấy tự hào vì bằng những nỗ lực, chúng ta đã đạt được những kết quả trong sự chủ động hội nhập quốc tế, thể hiện được rõ vai trò trong chiến lược đối ngoại, đóng góp xứng đáng, được các quốc gia khác thừa nhận, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang manh nha quay trở lại.
Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.