Ký kết CPTPP vào đầu tháng 3.2018

Đại diện 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương sẽ tiến tới ký thỏa thuận chính thức tại Chile vào tháng 3 tới.

Tối qua (23.1), Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết thông tin trên sau khi nhận được thông báo kết quả hội đàm từ Tokyo giữa 11 quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Lễ ký chính thức dự kiến được tiến hành vào ngày 8.3 tới tại Chile.
Diễn tiến sau 2 ngày nỗ lực thương thuyết tại Tokyo được xem là thắng lợi lớn đối với chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe, phía tích cực vận động để cứu lấy hiệp định sau khi Tổng thống Donald Trump kiên quyết rút Mỹ khỏi bàn đàm phán hồi đầu năm ngoái, theo Kyodo News. Sau quyết định của Washington, 11 nước còn lại vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu xây dựng hiệp ước thương mại xuyên châu Á - Thái Bình Dương.
Trong kỳ họp tại Tokyo từ ngày 22.1, đại diện các nước đã giải quyết được những bất đồng, bao gồm việc Canada kiên trì bảo vệ các ngành văn hóa như phim ảnh, truyền hình và âm nhạc. Thủ tướng Abe luôn kiên trì thuyết phục các bên rằng thỏa thuận này sẽ tạo nền móng cho tăng trưởng và cải cách cho Nhật Bản, đồng thời chứng tỏ cam kết về tự do thương mại và đa phương trong khu vực. Còn Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull trong chuyến công du Nhật Bản khẳng định thỏa thuận mới luôn để ngỏ một cánh cửa chào đón Mỹ gia nhập bất cứ lúc nào. Theo Reuters, Canada và Việt Nam, vốn lo ngại về các điều luật bảo hộ lao động, sẽ trao đổi thư riêng với các thành viên còn lại về những đề tài cụ thể vào thời điểm ký kết hiệp định tại Chile.
Bên cạnh đó, ông Trần Tuấn Anh chia sẻ thêm rằng công đoàn và lao động từng là một trong 4 vấn đề còn tồn lại của TPP mà Việt Nam liên quan trực tiếp, cụ thể là xử lý các vấn đề tranh chấp trong lao động và công đoàn. Trong TPP, Mỹ đòi hỏi Việt Nam phải có cải cách về công đoàn và lao động.
“Cụ thể là quyền để người lao động đàm phán tập thể và câu chuyện lập công đoàn công sở. Đó là những nội dung ta khó khăn trong đàm phán với Mỹ trong TPP 12. Khi đàm phán TPP 12, chúng ta đã thống nhất sẽ cải cách với lộ trình thực thi 8 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế ILO trong thời gian nhất định. Họ yêu cầu các chế tài khắt khe trong xử lý tranh chấp với chương lao động trong 3 năm, là nếu ta không thực thi thì phải chịu các hình phạt thương mại. Khi Mỹ rút khỏi TPP thì xuất hiện yêu cầu của Mexico là Việt Nam phải thực hiện cam kết tương tự. Thậm chí họ cương quyết hơn là không cần lộ trình sau 3 năm. Điều này rất căng thẳng trước thềm hội nghị APEC ở Đà Nẵng. Tuy nhiên khi đó chúng ta cương quyết rằng với trình độ của Việt Nam, cộng với quy trình làm luật của Việt Nam thì cần thời gian nhất định để thực thi và đàm phán rất căng thẳng”, ông Tuấn Anh kể lại và khẳng định: “Các nội dung trong chương lao động chúng ta đã được lợi thế ở mức cao hơn cả TPP. Cụ thể là chúng ta có khoảng thời gian 5 năm miễn trừ trừng phạt thương mại và thêm 2 năm của rà soát pháp lý”.
“Điều này không có nghĩa là ta cố trù trừ bằng mọi giá mà quan trọng là chúng ta có đủ thời gian để hoàn thiện thể chế và đảm bảo các điều kiện khung khổ thực hiện nó có hiệu quả mà vẫn đảm bảo các mục tiêu của quốc gia”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.