Dân mót nước bẩn về dùng

16/04/2014 09:30 GMT+7

Nắng hạn kéo dài, các con kênh, sông, suối ở xã Hàm Cần, H.Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cạn khô, trơ đáy khiến hàng trăm hộ dân ở đây lâm vào tình cảnh thiếu nước sinh hoạt, phải đi mót từng ca nước bẩn về dùng.

 Thiếu nước sinh hoạt
Người dân Hàm Cầm phải mót từng ca nước bẩn về dùng - Ảnh: Tiểu Thiên

Đào lòng sông mót nước bẩn

Hàm Cần là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của H.Hàm Thuận Nam. Toàn xã có 4 thôn với gần 900 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Rai. Trong những ngày đỉnh điểm của mùa nắng, hàng trăm hộ dân nơi đây đang phải căng mình đối phó với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Ông Mang Cẩn, Trưởng thôn 1, cho biết: “Lâu lắm rồi trời không mưa, nước dự trữ trong lu đã hết từ lâu, giếng đào, sông suối cũng khô cạn rồi. Giờ bà con chỉ có ra sông đào hố để mót nước mà dùng thôi”.

 

Anh Trần Văn Lanh, phụ trách trồng trọt – chăn nuôi – nông thôn (Phòng Nông nghiệp H.Hàm Thuận Nam) cho biết: “Hiên nay các hồ Tà Mon, Tân Lập, Đu Đủ, … và các kênh mương trên địa bàn huyện đã cạn khô không còn nước. Nguồn nước tự nhiên đã hết, nay chỉ có duy nhất nguồn nước ngầm, nhưng nguồn nước này cũng chỉ duy trì khoảng 10 ngày nữa là cạn.

Thôn 1 và 2 là những nơi xa trung tâm và thiếu nước nghiêm trọng nhất của xã Hàm Cần. Ruộng đồng trong thôn khô nứt nẻ, các kênh, mương trong thôn trơ cạn đáy. Con sông Linh chạy vòng sau thôn 1 là nguồn nước duy nhất cung cấp cho các hộ dân trong vùng nay đã cạn trơ đáy. Sông Linh giờ chỉ là một bãi đá trắng xóa nằm ngổn ngang với rất nhiều hố do bà con đào để vét nguồn nước. Mặc cho cái nắng giữa trưa thiêu đốt, chị Mang Thị Quyên (32 tuổi, ngụ thôn 1) vẫn kiên trì ngồi đợi bên cái hố mới đào chờ nước nhỉ ra để mót từng gáo. Chị Quyên cho biết: “ Nước máy bị cắt hơn một năm nay rồi. Trời nắng hạn không còn nguồn nước nào nên mọi người trong thôn phải ra sông đào hố lấy nước. Biết là bẩn nhưng vẫn phải dùng, có nước mà lấy là may lắm rồi”.

Theo thống kê của UBND xã Hàm Cần, toàn xã hiện có gần 650 hộ dân thiếu nước trầm trọng. Những hộ này đang dùng nước sinh hoạt lấy ở các vũng nước đọng trên sông Linh không đảm bảo vệ sinh, một số thì phải mua nước từ các hộ có giếng khoan với giá từ 35 – 50.000 đồng/m3.

Không còn nước để nhà máy hoạt động

Theo tìm hiểu được biết, trước đây xã Hàm Cần được nhà nước đầu tư vòi nước máy và đã cấp nước được một thời gian. Nhưng đến cuối năm 2012 thì nguồn nước máy này bị cắt. Ông Huỳnh Kim Hưng, Trưởng phòng quản lý cấp nước (Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận) cho biết: “Trạm cấp nước Hàm Thạnh - Hàm Cần có công suất 250m3/ngày lấy nước từ 4 giếng khoan của trạm để cấp nước cho xã Hàm Cần và xã Hàm Thạnh. Nhưng do người dân ở đây tự ý khoan giếng lấy nước tưới thanh long nên nguồn nước ngầm bị suy giảm nghiêm trọng, không còn đủ nước để nhà máy hoạt động”.

Hồ Tân Lập, nơi cung cấp nguồn nước thô cho nhà máy nước Thuận Nam hoạt động đã xuống dưới mực nước chết. Ông Huỳnh Ngọc Minh - Trạm trưởng nhà máy nước Thuận Nam, cho biết: “Nhà máy đã hết nước và ngừng cung cấp nước đối với gần 1.300 khách hàng của thị trấn Thuận Nam, xã Hàm Minh và xã Tân Lập gần cả tuần nay”.

Trước tình trạng hạn hán và thiếu nước sinh hoạt, chính quyền xã Hàm Cần đã đề nghị UBND H.Hàm Thuận Nam hỗ kinh phí, kỹ thuật để sửa chữa và khắc phục những giếng khoan của nhà nước đầu tư đã bị hư hỏng. Trước mắt, phòng Nông nghiệp H.Hàm Thuận Nam cũng đã tham mưu cho UBND huyện đề xuất tỉnh xuất kinh phí hỗ trợ người dân mua nước sạch để dùng. Đồng thời cũng đốc thúc đẩy nhanh tiến độ thi công việc thông chuyển nước hồ Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập đưa nước về cung cấp nước cho người dân.

Tiểu Thiên

>> 7.000 hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt
>> Giếng nước sinh hoạt của người dân bị nhiễm xăng
>> Gần 1.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt
>> Kiên Giang ban hành giá nước sinh hoạt mới
>> Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.