Theo CNBC, hậu khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng trung ương toàn cầu bơm hàng nghìn tỉ USD vào nền kinh tế để tăng cho vay và thúc đẩy tăng trưởng. Theo ông Paul Gambles, đợt can thiệp thị trường lớn này khiến giá cổ phiếu tăng vọt, đẩy chứng khoán lên “mức bong bóng lịch sử”.
“Chúng ta có chính sách phản ứng với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và khi đó, cổ phiếu rẻ và được hỗ trợ tài chính đáng kể. Đây là một tình huống khá nguy hiểm và đang tạo ra bong bóng, quả bong bóng này ngày càng lớn hơn, lớn hơn. Không nghi ngờ gì khi xét theo định giá, chúng ta đang trong trạng thái bong bóng, có lẽ là bong bóng lớn nhất mọi thời đại”, ông Gambles nói.
Chuyên gia này nói thêm các thị trường có thể trải qua thời đoạn như năm 2007, chỉ ngay trước khi thị trường sụp đổ. “Chúng tôi giờ đây nghĩ rằng có nhiều điều kiện ngoài kia đã chín muồi để bong bóng vỡ”, ông Gambles cho hay.
Các điều kiện này bao gồm tăng trưởng toàn cầu thiếu đồng bộ, chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn, sự hỗn loạn xung quanh tình hình chính trị Mỹ với lập trường cứng rắn hơn về thương mại toàn cầu. Dù vậy, ông cũng lưu ý rằng hiện nay có một loạt dự báo về hướng đi của thị trường, và độ rộng mở của các dự báo này lớn hơn bao giờ hết.
“Chúng ta có thể có một năm thị trường chứng khoán thể hiện tốt, hoặc chúng ta có thể thấy thị trường giảm 20, 30 hay 40%”, ông Gambles nói.
Hỗ trợ liên tục từ các ngân hàng trung ương khiến nhà đầu tư tự tin hơn vào diễn biến trên thị trường chứng khoán trong những năm gần đây. Quan sát chỉ số S&P 500 từ đáy vào tháng 3.2008 đến nay, chỉ số này tăng khoảng 287%. Ở châu Âu, chỉ số Stoxx 600 tăng 134% trong cùng kỳ.
Không chỉ có ông Gambles mà nhà sáng lập DoubleLine Capital Jeffrey Gundlach, người được mệnh danh là “vua trái phiếu” cũng cho biết chứng khoán sẽ kết thúc giảm điểm năm nay. Ông trích dẫn lợi tức trái phiếu tăng và giá tiền thuật toán giảm là bằng chứng cho thấy chứng khoán sẽ đi xuống.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ đáo hạn trong 10 năm được các nhà đầu tư quan sát cẩn thận. Lợi suất trái phiếu tăng trong năm nay khiến nỗi lo điều chỉnh thị trường lớn hơn. Nhiều người ngại rằng lạm phát sẽ đi nhanh hơn mức thị trường đang kỳ vọng. Dù vậy, nỗi lo này giảm đi trong vài tuần qua khi các ngân hàng trung ương xác nhận họ sẽ tăng lãi suất từ từ. Lạm phát cao hơn và tốc độ tăng lãi suất nhanh hơn thường không là tin tốt với cổ phiếu, vì nó tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Song không phải nhà phân tích nào cũng có góc nhìn bi quan về tương lai giá cổ phiếu. Một chiến lược gia tại Goldman Sachs cho biết khó có khả năng cổ phiếu rơi vào giai đoạn giảm giá bất ngờ. “Nếu lãi suất và lạm phát không tăng rất mạnh thì thật khó thấy các yếu tố kích thích suy thoái trong thời gian gần”, chiến lược gia cổ phiếu toàn cầu tại Goldman Sachs International cho biết.
Bình luận (0)