Bloomberg cho hay cổ phiếu Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế Domesco, hãng dược phẩm lớn thứ ba được niêm yết trên sàn, tăng 149% trong năm nay khi cổ đông công ty đồng thuận bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài 49%. Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, hãng dược phẩm lớn nhất, có cổ phiếu tăng 44% và doanh nghiệp dược Nhật Bản Taisho Pharmaceuticals cũng mua vào 24,5% cổ phần công ty này hồi tháng trước.
Từ đầu năm đến nay, các mã cổ phiếu ngành dược niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam tăng trưởng khoảng 46%, tốt nhất trong 10 ngành thuộc rổ VN-Index.
Chính phủ Việt Nam vừa qua chính thức cho phép Vinamik được nới room tối đa cho giới đầu tư ngoại. Ngay sau quyết định, VN-Index tăng đến mốc cao nhất 8 năm khi các nhà đầu tư hy vọng những quyết định tương tự sẽ được thông qua. Sở hữu nước ngoài của nhiều nhà sản xuất thuốc đã đạt hoặc đang cận mức giới hạn, tạo ra nhu cầu dồn nén từ các nhà quản lý quỹ hiện tìm cách hưởng lợi từ việc tầng lớp trung lưu Việt Nam chi nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe.
“Nếu Domesco được phép nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, đây sẽ là chất xúc tác tốt cho thị trường Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Dược vốn là ngành hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài”, ông Trần Hoàng Sơn, giám đốc chiến lược thị trường Công ty chứng khoán MB nói.
Thị trường dược phẩm Việt Nam được cho là sẽ tăng từ 4,2 tỉ USD năm 2015 lên 7,2 tỉ USD năm 2020, sau đó duy trì tốc độ tăng trưởng hai chữ số hằng năm đến năm 2025, theo báo cáo của BMI Research. Nhà sáng lập Chris Freund của Mekong Capital cho biết ngành này sẽ tiếp đà tăng trưởng từ 10% đến 15% mỗi năm.
“Ngành dược phẩm Việt Nam vẫn còn manh mún và các tiêu chuẩn quản lý thường khá ít. Có cơ hội cho các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các công ty dược, giúp họ xây dựng đội ngũ quản lý, hình thành quan hệ đối tác quốc tế và áp dụng nhiều phương thức tốt hơn”, ông Freund cho hay.
Cổ phiếu Công ty cổ phần Traphaco, hãng dược lớn thứ nhì trên sàn, tăng 71% năm nay. Công ty cổ phần dược phẩm Imexpharm và dược phẩm Cửu Long có cổ phiếu đi lên lần lượt là 40% và 141%. Chỉ số VN-Index tăng 13% từ đầu năm đến nay.
Hãng tin Bloomberg nhận định ngay cả khi giá tăng mạnh, định giá cổ phiếu doanh nghiệp dược Việt Nam vẫn còn tương đối thấp. Giám đốc phân tích Lê Hồng Liên của Maybank Kim Eng nhận định: “Khu vực này tương đối rẻ so với các cổ phiếu ngành dược ở thị trường mới nổi”.
Hiện Công ty dược Hậu Giang, Imexpharm và Domesco - vốn đang có 45,9% cổ phần được nắm giữ bởi công ty CFR International SpA của Chile - đều đã ở mức giới hạn 49% sở hữu nước ngoài. Khối lượng cổ phần khối ngoại nắm giữ ở Traphaco là 45%, theo dữ liệu từ VNDirect Securities.
Các hãng dược được niêm yết của Việt Nam dường như đang khá hấp dẫn, đặc biệt là với giới đầu tư chiến lược châu Á, song các nhà đầu tư này có thể sẵn sàng trả cao hơn cho miếng bánh lớn hơn, ông Chris Freund của hãng Mekong Capital cho hay. Ông kỳ vọng sẽ có nhiều giao dịch cổ phiếu hơn trong 12 tháng tới.
tin liên quan
VN hút vốn IPO nhiều nhất ASEANHãng Bloomberg công bố thống kê cho biết thị trường chứng khoán VN hiện dẫn đầu các nước ASEAN trong việc huy động vốn từ các đợt IPO năm 2016.
Bình luận (0)