Các quỹ đầu tư nước ngoài tăng đổ tiền vào cổ phiếu Việt Nam

29/02/2016 11:18 GMT+7

Các quỹ đầu tư thị trường biên từ Thụy Điển cho đến Hồng Kông đều đang sẵn sàng mua thêm cổ phiếu Việt Nam. Họ bị thu hút bởi mức giá rẻ và sức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong gần một thập niên.

Các quỹ đầu tư thị trường biên từ Thụy Điển cho đến Hồng Kông đều đang sẵn sàng mua thêm cổ phiếu Việt Nam. Họ bị thu hút bởi mức giá rẻ và sức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong gần một thập niên.

Đường phố quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội - Ảnh: BloombergĐường phố quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội - Ảnh: Bloomberg
Theo Bloomberg, hãng Coeli Asset Management và Asia Frontier Capital cho hay họ có kế hoạch nắm giữ thêm cổ phiếu Việt Nam trong năm nay, khi đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục và các hiệp định thương mại tự do góp phần thúc đẩy nền kinh tế. Tundra Fonder cho biết hãng này muốn mua doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực tiêu dùng, công nghiệp và xây dựng.
VN-Index của thị trường chứng khoán nước ta được ở mức 1,68 lần tài sản ròng, cận mức thấp nhất trong ba năm, sau khi chỉ số này bước vào thị trường con gấu trong tháng 1 vừa qua vì Mỹ tăng lãi suất và các đợt bán tháo tại những thị trường mới nổi thúc đẩy dòng vốn thoái.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà chính phủ Việt Nam đặt ra trong năm nay là 6,7%, thuộc hàng tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong báo cáo công bố ngày 22.2, ngân hàng HSBC lạc quan về Việt Nam vì mức giá hấp dẫn và khả năng phục hồi kinh tế biến đất nước trở thành “một điểm sáng hiếm hoi”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phân bổ vốn bổ sung cho thị trường. Chúng tôi vẫn rất tích cực về triển vọng của Việt Nam”, nhà quản lý danh mục đầu tư James Bannantại hãng Coeli ở Malmo (Thụy Điển) viết trong email. Bannan, người từng tăng lượng cổ phần nắm giữ vào năm 2015 khi VN-Index tăng 6,1%, có 14% quỹ của mình tập trung vào Việt Nam. Các khoản đầu tư của ông tại Việt Nam đem lại lợi nhuận 27% khi tính bằng đô la Mỹ vào năm ngoái.
Giám đốc điều hành Andreas Vogelsanger của AFC Vietnam Fund thuộc Asia Frontier Capital, quỹ đã tăng hơn 40% kể từ khi thành lập cách đây hai năm, cho hay các thỏa thuận thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào là những lý do chính giải thích vì sao Việt Nam sẽ thể hiện tốt hơn các thị trường châu Á. Nhà quản lý tài sản Shamoon Tariq ở Tundra cho hay chi tiêu tiêu dùng và cải cách cơ cấu sẽ củng cố vòng quay của kinh tế Việt Nam.
Tuy vậy, Thang Uong, người quản lý danh mục đầu tư, giám sát 530 triệu USD tại Manulife Asset Management cho hay nguy cơ lạm phát và khả năng tiền Việt Nam yếu hơn sẽ “ngăn cản giới đầu tư”. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ba lần làm yếu bản tệ trong năm qua để thúc đẩy xuất khẩu, sau khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ kéo tỷ giá hối đoái ở châu Á xuống thấp hơn.
Theo số liệu chính phủ, giải ngân đầu tư nước ngoài tăng đến mức kỷ lục 14,5 tỉ USD năm ngoái, trong khi số tiền cam kết đầu tư nước ngoài tăng 12,5%. Việt Nam đã ký một thỏa thuận tự do thương mại với Hàn Quốc hồi tháng 5.2015 và ký với Liên minh châu Âu (EU) một thỏa thuận tự do thương mại khác trong tháng 12.2015. Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất ký kết vào đầu tháng này cũng sẽ được Việt Nam đưa ra thảo luận trong năm nay.
“Đến nay, Việt Nam là nước đã ký kết nhiều thỏa thuận thương mại tự do nhất trong khu vực và do đó có vị trí độc nhất, đặc biệt còn là một trong những nước có chi phí sản xuất thấp nhất thế giới. Chúng tôi kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục thể hiện tốt hơn các thị trường mới nổi và thị trường châu Á khác”, ông Vogelsanger nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.