Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2017 (VBF) do Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Thế giới tổ chức có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hàng trăm doanh nghiệp.
Tại diễn đàn, Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) bày tỏ quan ngại khi chính sách pháp luật thay đổi bất hợp lý, đặt nhà đầu tư vào rủi ro lớn. Theo Amcham, luật An ninh mạng đang được lấy ý kiến là “độc” nhất. Bởi vì quy định của luật còn kiểm soát cả thông tin trên mạng là “giẫm” chân vào luật khác. Đặc biệt, việc buộc các nhà cung cấp nước ngoài đặt máy chủ tại Việt Nam sẽ không giúp tăng cường an ninh mạng, mà chỉ tạo gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp nước ngoài.
Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt đi ngược lại với thông lệ quốc tế và không được khuyến khích. Hiện chỉ có 4 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (chiếm khoảng 2% dân số) đang áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt, còn lại không áp dụng vì thuế gây hại cho nền kinh tế và chưa được chứng minh trong vấn đề bảo vệ sức khoẻ.
Bình luận về những thay đổi trong chính sách thuế tác động đến doanh nghiệp, ông Herbert Cochran, Giám đốc Liên minh thuận lợi hóa thương mại Việt Nam, cho rằng những thay đổi về chính sách thuế như tăng thuế hay áp thuế mới sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch kinh doanh, như chi phí đầu tư và vận hành tăng, doanh thu giảm, từ đó giảm tỷ suất lợi nhuận và kéo dài thời gian thu hồi vốn đầu tư.
Do đó, ông Herbert Cochran đề xuất Việt Nam cần nghiên cứu kỹ và đánh giá tác động, khi một sắc thuế gây tác động to lớn đến toàn xã hội, ảnh hưởng đến một nền công nghiệp đang đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, trong khi hiệu quả của sắc thuế đó chưa được chứng minh thì Chính phủ không nên nóng vội, mà cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn thận, khoa học.
Ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, năm 2017 là một năm đáng mừng, vì tăng trưởng kinh tế đã vượt mức kỳ vọng 6,3%, và tiếp tục gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch, tham nhũng, thiếu cơ chế bảo hộ đầu tư khiến một lượng không nhỏ các nhà đầu tư Châu Âu với quy mô phân phối lớn đã rút khỏi Việt Nam.
Đại diện EuroCham kêu gọi, Chính phủ phải xử lý các trường hợp tham nhũng, vòi vĩnh bởi gốc rễ phát sinh từ tính thiếu tính minh bạch, sự phụ thuộc quá nhiều vào các thủ tục cấp giấy phép và chứng nhận, cơ chế xin -cho và sự diễn giải quy định chủ quan cao của những người có vị trí quyết định.
tin liên quan
Thủ tướng trăn trở đưa doanh nghiệp Việt ra biển lớn
Bình luận (0)