Được lợi gì từ các dự án tỉ đô?

18/08/2016 06:07 GMT+7

Nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI ) mang tiếng đầu tư tỉ USD vào VN nhưng nền kinh tế không được lợi gì, thậm chí còn phải bù lỗ.

Miễn giảm các loại thuế, tiền thuê đất suốt vòng đời dự án; chấp thuận các đòi hỏi ưu đãi vượt khung; hưởng thêm chế độ đặc thù... khiến nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang tiếng đầu tư tỉ USD vào VN nhưng nền kinh tế không được lợi gì, thậm chí còn phải bù lỗ.
Ưu đãi thật, lợi ích ảo
Dự án khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) có vốn đầu tư 9 tỉ USD, khởi công năm 2013, liên doanh giữa Tập đoàn dầu khí VN (PVN) và các đối tác Kuwait, Nhật Bản. Dự kiến dự án vận hành thương mại vào tháng 7.2017 và hoạt động 100% công suất vào 2020.


Những dự án chuẩn bị vào phải được giám sát chặt chẽ hơn, không để xảy ra tình trạng vừa hưởng ưu đãi lại vừa chuyển giá. Hưởng lợi kép ở VN nhưng không mang lại lợi ích cho kinh tế VN so với những gì họ được hưởng

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan


Tuy nhiên, theo tính toán sơ bộ của Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), khi Nghi Sơn đi vào hoạt động, PVN có thể phải bù lỗ 1,45 tỉ USD/10 năm (khoảng 3.500 tỉ đồng/năm) nếu giá dầu 45 USD/thùng; bù lỗ 1,8 tỉ USD/10 năm (4.000 tỉ đồng/năm) nếu giá dầu 50 USD; bù lỗ 2 tỉ USD/10 năm (4.500 tỉ đồng/năm) nếu giá dầu 70 USD.
Sở dĩ có chuyện bù lỗ này là vì VN cam kết để PVN bao tiêu sản phẩm cho nhà máy trong 10 năm với giá bằng giá xăng dầu nhập khẩu, bên cạnh ưu đãi thuế.
Cụ thể, Chính phủ VN cam kết trong 10 năm đầu kể từ ngày nhà máy vận hành thương mại, Nghi Sơn có thể áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy là giá nhập khẩu cộng thuế nhập.
Trong đó, mức thuế nhập khẩu được tính là 7% đối với sản phẩm lọc dầu (xăng, dầu), 5% cho khí hóa lỏng (LPG) và 3% đối với sản phẩm hóa dầu. Trong thời gian này, nếu quy định mức thuế nhập khẩu thấp hơn thì VN bảo đảm PVN sẽ thanh toán cho Nghi Sơn số tiền chênh lệch giữa thuế suất nhập khẩu thực tế và mức cam kết trong bảo lãnh Chính phủ.
Ngoài ra, dự án còn nhận được nhiều khoản hỗ trợ trực tiếp, lên tới 3.833 tỉ đồng, để đầu tư hệ thống chiếu sáng, đường nội bộ, đê chắn sóng...
Nhưng Nghi Sơn không phải là trường hợp cá biệt hưởng ưu đãi “không thể tin được” ở VN. Samsung VN đầu tư dự án tại Q.Hoàng Mai (Hà Nội) có vốn đầu tư 330 triệu USD, đã được miễn tiền thuế đất trong 50 năm (30 ha). Dựa theo bảng giá đất hiện thời, tiền thuê đất được miễn lên khoảng 323 tỉ đồng.
Ngoài ra, Samsung VN còn hưởng nhiều ưu đãi khác như miễn thuế nhập khẩu thiết bị, vật liệu xây dựng…; được phép chuyển nhượng tài sản hình thành trên đất và quyền sử dụng đất cho đơn vị khác mà không có bất kỳ hạn chế nào; nhân viên được miễn 50% thuế thu nhập cá nhân hằng năm…
Các dự án khác của Samsung tại Bắc Ninh, Thái Nguyên cũng được hưởng cơ chế và mức độ ưu đãi đầu tư cao nhất của VN. Còn dự án tai tiếng Formosa ở Hà Tĩnh, nhà đầu tư được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập DN 10% áp dụng trong 15 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; đặc biệt được miễn tiền thuê đất trong thời hạn 15 năm...
Phải siết ưu đãi
TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, phân tích: Sản xuất của khu vực FDI chủ yếu là gia công, phần VN hưởng từ xuất khẩu của khu vực này có hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp. Về bản chất, DN FDI chỉ mượn VN để xuất khẩu do VN cấp cho họ sự ưu đãi đặc biệt về đất đai, thuế... “Trừ đi các ưu đãi thì nền kinh tế VN không hưởng được bao nhiêu từ FDI”, TS Trinh nhấn mạnh.
Trở lại ưu đãi cho dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng thực ra chính PVN thay mặt nhà nước ký với Nghi Sơn ưu đãi bao tiêu sản phẩm 100% và thuế. Có nhiều bất cập trong việc cho Nghi Sơn hưởng ưu đãi bởi bản thân nhà đầu tư nước ngoài cũng như PVN biết rõ chủ trương hội nhập quốc tế của VN và thời điểm hội nhập khi nào. Nhà đầu tư biết rõ là thuế sẽ giảm nhưng vẫn đặt vấn đề đầu tư trên cơ sở thuế cao, để rồi sau đó xin nhà nước cho hưởng phần thuế giảm. Nghĩa là các công ty biết rõ về lộ trình giảm thuế nhưng cố tình tính theo mức thuế cao để hưởng lợi (trong trường hợp công ty sản xuất để thay thế cho hàng nhập khẩu).
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, lộ trình hội nhập đã rõ nhưng không hiểu sao vẫn chấp nhận đề nghị của DN. Theo bà Lan, tổng số tiền ưu đãi cho dự án là quá lớn so với tổng vốn đầu tư. Nếu tính hết các ưu đãi quy ra tiền, cộng ưu đãi về thuế, có khi bằng số vốn đầu tư của dự án. “Điều kiện ràng buộc là dùng toàn bộ sản phẩm của nhà đầu tư cũng không công bằng trên thị trường, buộc người tiêu dùng phải sử dụng sản phẩm này mà không được sử dụng sản phẩm cạnh tranh hơn.
Kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro. Không thể đổ hết rủi ro cho ngân sách, cho người Việt, rồi rút cuộc người tiêu dùng VN, người đóng thuế VN phải hứng chịu. Nhà nước không thể dùng tiền thuế của dân để cấp ưu đãi cho nhà đầu tư hoặc bù lỗ cho họ như vậy”, bà Lan nói và cho rằng những ưu đãi này cần thiết phải xem xét hay thương lượng lại, chứ không thể cứ thế nuông chiều nhà đầu tư.
“Tôi nghĩ nhà nước cần điều chỉnh mạnh mẽ chính sách thu hút FDI. Những dự án chuẩn bị vào phải được giám sát chặt chẽ hơn, không để xảy ra tình trạng vừa hưởng ưu đãi lại vừa chuyển giá. Hưởng lợi kép ở VN nhưng không mang lại lợi ích cho kinh tế VN so với những gì họ được hưởng”, bà Lan khuyến nghị.
Đồng quan điểm, TS Bùi Trinh cho rằng: “Môi trường đầu tư tốt là vấn đề then chốt hấp dẫn FDI chứ không phải là ưu đãi. Hiện nay, các địa phương chủ yếu cấp ưu đãi cho nhà đầu tư, vì thế chính quyền T.Ư cần phải tăng cường giám sát vấn đề này, chứ không để cho các địa phương đua nhau thu hút FDI rồi cứ kéo nhau xuống đáy, gây thiệt cho nền kinh tế”.
Nhóm lợi ích mới
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho rằng một số địa phương vì động lực muốn có tăng trưởng GDP cao nên đã nhượng bộ, cả trả giá về môi trường, để thu hút vốn FDI. Đó là điều hết sức nguy hiểm. “Nhiều địa phương nhìn vào Thái Nguyên, khi thấy Samsung đầu tư vào đây đã giúp sản lượng công nghiệp ở tỉnh trong vòng một năm tăng 93%, nên sự hấp dẫn rất lớn, nhưng lợi ích là không có thực. Tăng trưởng này là ảo mà thôi”, ông Doanh khẳng định.
Còn theo chuyên gia Phạm Chi Lan, ưu đãi cho FDI ngày càng thiên lệch theo cách là họ chỉ vào để khai thác những lợi ích của VN mà không quan tâm thật sự đến lợi ích của nền kinh tế. “Càng về sau các nhà đầu tư nước ngoài càng khôn ngoan hơn, trở thành nhóm lợi ích nguy hiểm ở VN, chắc chắn gây hại cho nền kinh tế rất lớn”, bà Lan bình luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.