Gọi vốn 90 triệu USD để đem quảng cáo lên mặt trăng

14/12/2017 07:44 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang có kế hoạch khởi động nền kinh tế mặt trăng bằng cách ủng hộ sứ mệnh đặt chân lên mặt trăng vào năm 2020 của startup nước này.

Theo Bloomberg, Ispace có trụ sở ở Tokyo (Nhật Bản) cho hay hãng huy động được 10,2 tỉ yen Nhật, tương đương 90 triệu USD, từ một số công ty lớn nhất Nhật Bản, trong đó có hãng hàng không Japan Airlines và mạng truyền hình Tokyo Broadcasting System Holding. Số tiền này sẽ được dùng để phóng một tàu vũ trụ vào quỹ đạo mặt trăng trong năm 2019, và đưa người đặt chân lên mặt trăng một năm sau đó.
Các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò lớn trong việc phát triển hàng không vũ trụ, từ hãng tên lửa Space Exploration Technologies của tỉ phú Elon Musk cho đến Planetary Resources, hãng tìm cách đưa con người lên vũ trụ trong khi vẫn bảo đảm lợi nhuận cho cổ đông. Ispace cho hay nền kinh tế mặt trăng vẫn còn là chuyện của hàng thập kỷ sau này, song công ty vẫn đặt lợi nhuận và các dự án lên làm trọng tâm trong nhiều năm tới.
Takeshi Hakamada, giám đốc điều hành Ispace, cho biết: “Con người không đến các vì sao để trở nên nghèo khó. Vì thế, việc tạo ra một nền kinh tế trong không gian là rất quan trọng”.
Nhà đầu tư rót vốn cho Ispace cũng có cả Innovation Network Corp. of Japan, doanh nghiệp do chính phủ Nhật hậu thuẫn. Hãng này dẫn đầu vòng tài trợ vốn với 3,5 tỉ yen Nhật tiền đầu tư, trong khi Ngân hàng Phát triển Nhật Bản cũng đầu tư số tiền chưa được công bố.
Ispace cho biết cơ hội kinh doanh đầu tiên có khả năng là tiếp thị, bao gồm việc dán logo doanh nghiệp lên các tàu vũ trụ và lưu hình ảnh này để sử dụng trong quảng cáo. Việc hạ cánh thành công ở mặt trăng cũng sẽ giúp hãng cung cấp dịch vụ bản đồ. Startup cho biết nhiều doanh nghiệp sẽ có nhu cầu công chiếu hình ảnh logo của họ được đặt trước hình ảnh trái đất khi nhìn từ mặt trăng.
Từ năm 2021, ông Hakamada lên kế hoạch phóng các phương tiện thăm dò nước. Ispace ước tính có nhiều nước trên mặt trăng, song bằng chứng chắc chắn vẫn đang thiếu. Vào năm 2009, NASA phát hiện có nhiều phân tử có liên quan đến nước ở đây. Năm nay, các nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ vệ tinh ước tính mặt trăng có thể có lượng nước lớn tồn tại bên dưới bề mặt.
Giới doanh nghiệp Nhật Bản có lịch sử đam mê ngành hàng không vũ trụ. Hồi năm 2014, Otsuka Holdings công bố kế hoạch đưa hộp thức uống Pocari Sweat lên bề mặt mặt trăng. Năm 1990, hãng TBS gửi một nhà báo lên trạm không gian Mir bằng tên lửa của Liên Xô.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.