Tăng cước, tăng giờ cao điểm
Từ sáng 9.4, khi ứng dụng Uber chính thức không còn hoạt động tại VN, nhiều khách hàng cho biết phải trả cước Grab cao hơn so với trước đó. Như trường hợp anh Đ.H, một doanh nhân tại TP.HCM, cho biết quãng đường từ Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận) đến Ngô Đức Kế (Q.1) thời gian trước anh chỉ trả phí Grab Car là 45.000 đồng thì nay là 105.000 đồng.
Anh Đ.H khẳng định cùng đoạn đường, cùng thời gian này và hầu như ngày nào anh cũng đi Grab Car nhưng trước đó chưa bao giờ có mức giá lên hơn 100.000 đồng. Tương tự, sáng 10.4, chị Loan (ngụ tại Q.7, TP.HCM) đi xe Grab 4 chỗ từ đường Lâm Văn Bền, P.Tân Quy ra sân bay Tân Sơn Nhất thì được báo cước phí lên gần 190.000 đồng. Trong khi quãng đường này thông thường chị chỉ phải trả dưới 140.000 đồng. "Trước đây nếu thấy cước trong khung giờ cao điểm của Grab tăng cao, tôi có thể chuyển sang sử dụng Uber để tiết kiệm. Nhưng nay thì sự lựa chọn đã bị thu hẹp", chị Loan than thở.
|
Không chỉ tăng giá, theo ông Long, một hành khách khác ngụ tại Q.3, gần đây Grab tăng giá bất thường. Cụ thể, giá tăng từ 8.500 lên 10.000 đồng/km ngoài giờ cao điểm, tương đương khoảng 17%. Nhưng có khi vừa mở ứng dụng Grab để đặt chỗ và chưa được 5 phút sau thì giá cước báo đã tăng hơn 30% so với giá hiển thị trước đó. Chưa kể, việc tăng giá cước theo kiểu “cao điểm” diễn ra thường xuyên hơn thay vì chỉ vào giờ tan tầm buổi chiều như trước. Ngoài ra, hiện nay mức khuyến mãi của Grab cũng giảm xuống, thay vì khuyến mãi 30.000 đồng/chuyến thì nay chỉ còn 20.000 đồng/chuyến; nhiều khách hàng trước đây hay nhận được voucher giảm giá mạnh thì nay không còn… Đó là chưa kể trong vòng 10 ngày qua, ứng dụng Grab đã xảy ra lỗi bị gián đoạn trong hai lần khiến người dùng không thể kết nối được.
Ngay sau khi Uber ra đi, một số khách hàng thử sử dụng một số ứng dụng chia sẻ khác như Vato. Tuy nhiên, anh Mỹ (ngụ tại Q.1) cho biết: Vato ít xe nên nhiều khi đặt mãi không được. Đồng thời giá cước của Vato cũng cao hơn Grab. Vì vậy hiện nay vẫn chưa có đơn vị nào có ứng dụng đặt xe để cạnh tranh được với Grab.
Thiếu cạnh tranh, người tiêu dùng không được lợi
Sau khi Grab chính thức công bố mua lại mảng kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á, nhiều nước đã lo ngại việc sáp nhập sẽ mang tính độc quyền. Mới đây, Singapore và Philippines đều yêu cầu hai hãng phải hoãn thương vụ, tiếp tục kéo dài hoạt động của Uber để điều tra thêm thay vì ngừng ứng dụng này vào ngày 8.4. Nhưng tại VN, đến hết ngày 8.4, Uber đã hoàn toàn chấm dứt hoạt động và chỉ còn mỗi ứng dụng Grab gần như độc quyền trong phân khúc taxi công nghệ.
tin liên quan
Grab bị 'tố' âm thầm tăng giáChuyên gia về chiến lược Đỗ Hòa phân tích: Trong thời gian ngắn, sẽ chưa thể có DN hay ứng dụng nào lấp được chỗ trống của Uber để tạo nên sự cạnh tranh mới với Grab, nên người tiêu dùng càng ít được lợi. Bởi trong việc cạnh tranh giữa các hãng taxi truyền thống với taxi công nghệ không đơn giản chỉ là phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động. Các DN như Vinasun, Mai Linh hoạt động lâu đời với việc đầu tư vào lượng xe lớn, mô hình quản trị... và ngay cả tiềm lực tài chính cũng không đủ để chuyển sang mô hình kinh doanh mới.
Bản thân khi Uber và Grab vào VN đều phải chấp nhận lỗ trong thời gian 1 - 2 năm, chi ra nhiều tiền để quảng bá thu hút tài xế, khuyến mãi cho người dùng, tạo ra một mạng lưới kết nối rộng rãi. “Việc nắm bắt cơ hội sau khi Uber không còn, chủ yếu là những công ty công nghệ khởi nghiệp theo mô hình mới này. Nhưng cái khó là có thể gọi vốn đầu tư để gánh được các chi phí ban đầu có thể lên đến vài triệu USD hay không? Lợi thế của Uber và Grab là hoạt động đa quốc gia nên có thể lấy lãi ở các thị trường khác để bù cho thị trường VN. Vì vậy sẽ khó để có ngay đơn vị nào lấp được chỗ trống mà Uber để lại, tạo nên sự cạnh tranh trên thị trường”, ông Đỗ Hòa nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico, nhận xét: chưa có đủ cơ sở để xem xét thương vụ mua Uber của Grab có vi phạm luật Cạnh tranh hay không, vì việc sáp nhập này được thực hiện bên ngoài lãnh thổ VN. Hơn nữa, ngay cả cơ quan quản lý cũng chưa xác định rõ Uber, Grab là kinh doanh taxi hay kinh doanh dịch vụ công nghệ nên việc xác định thị phần sẽ theo mô hình nào. Thậm chí, nếu tính chung toàn bộ thị trường taxi thì cả hai hãng này cũng không thể chiếm thị phần chi phối. Vì hiện nay người tiêu dùng và lái xe đều có thể lựa chọn các phương tiện thay thế khác. Điều quan trọng là cơ quan quản lý sẽ giám sát kiểm tra hoạt động của DN sau khi sáp nhập, liệu có xuất hiện yếu tố độc quyền hay không thì sẽ phải tuân thủ các quy định liên quan.
Luật Cạnh tranh quy định: Cấm việc tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các DN tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan. Các DN tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30 - 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của các DN đó phải thông báo cho Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương trước khi tiến hành. Nếu DN không thông báo trước khi thực hiện thì sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước đó. Nếu thị phần vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.
|
Bình luận (0)