Sáng 10.4, chị Minh ngụ tại TP.HCM đặt Grab Bike từ Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận) đến khu vực Nguyễn Công Trứ (quận 1) với giá cước 20.000 đồng. Theo chị Minh, giá cước này tăng thêm 2.000 đồng so với giá chị thường đi trước đó trên cùng quãng đường này. Mặc dù số tiền không lớn nên chị Minh cũng không tính toán và cũng đã quen đi xe ôm công nghệ. Tuy nhiên, so ra tỷ lệ tăng lên tới 10%.
Trong khi đó, chị Lê ngụ tại quận 7 cho biết khoảng 8 giờ sáng cùng ngày, chị đặt Grab Car loại xe 4 chỗ từ phường Tân Quy đi ra sân bay Tân Sơn Nhất, thấy giá cước tăng vọt lên gần 190.000 đồng trong khi khoảng đường này bình thường chị đi chỉ mất phí khoảng 135.000 đồng. Mặc dù lúc đó chị nhìn thấy có nhiều xe đang ở gần khu vực nhà chị.
“Giá của Grab như vậy là ngang bằng với taxi truyền thống. Lúc trước nếu còn Uber mình sẽ có sự so sánh và lựa chọn khác. Nay Grab tăng giá thì mình lại quay về với taxi”, chị Lê chia sẻ thêm.
Trong khi đó, một số khách hàng tại khu vực trung tâm TP.HCM cũng cho rằng dù chưa có thông báo chính xác nhưng trong hai ngày qua, giá đặt xe của Grab thay đổi rất nhanh. Chỉ cần trong vòng 5 phút, giá cước có thể tăng chóng mặt so với giá hiển thị trước đó.
Anh Trung, ngụ tại quận 1, tỏ ra băn khoăn: Hình như Grab thay đổi cách tính và các giờ cao điểm được áp dụng nhiều hơn lúc trước. Thông thường trước đây chỉ vào giờ tan tầm buổi chiều từ 5 - 6 giờ thì giá cước mới tăng mạnh, còn gần đây giá cước có thể tăng ngay vào lúc sáng và thậm chí buổi trưa. Đồng thời khuyến mãi của Grab cũng giảm xuống trong tuần đầu tháng 4 chỉ còn mức 20.000 đồng/chuyến Grab Car thay vì mức khuyến mãi phổ biến trước đó là 30.000 đồng/chuyến…
Trong thông báo chính thức từ cuối tháng 3 khi công bố về việc mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber ở khu vực Đông Nam Á, phía Grab nhấn mạnh đây là thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực. Tuy nhiên mới đây, cả Singapore và Philippines đều yêu cầu hoãn thương vụ để cơ quan quản lý điều tra xoay quanh động thái mua bán này.
Ứng dụng Uber được kéo dài hoạt động đến ngày 15.4 tại Singapore. Riêng phía Philippines yêu cầu hai hãng vẫn giữ nguyên việc tách biệt dịch vụ và ngừng mọi động thái hoàn tất mua bán cho đến khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc xem xét thương vụ.
Riêng tại Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho biết Grab chưa đưa ra được các căn cứ cụ thể để chứng minh về thị phần sau khi sáp nhập. Theo quy định, nếu thị phần kết hợp của các bên vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.
Bình luận (0)