20 năm có thể làm nên sự thay đổi lớn. Theo Bloomberg, khi về lại với Trung Quốc vào năm 1997, nền kinh tế từng là thuộc địa Anh bị chi phối bởi các doanh nhân ở đặc khu này như ông Lý Gia Thành và các tập đoàn thời thuộc địa như Jardine Matheson Holdings.
Năm 2017, nguồn sức mạnh mới đang tràn vào kinh tế Hồng Kông. Dù ông Lý và các doanh nhân như ông vẫn ăn nên làm ra, ảnh hưởng của giới doanh nhân Hồng Kông lên nền kinh tế đang giảm dần. Ngược lại, ảnh hưởng của doanh nghiệp Đại lục tại đặc khu này đang đi lên, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, tài chính và viễn thông. Đại lục hiện còn giành sức ảnh hưởng trong nhiều ngành khác.
Hồng Kông từ lâu là cửa ngõ ra và vào Trung Quốc. Hồi thập niên 1990, giới doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc, hay còn gọi là Red Chips, huy động vốn từ Hồng Kông để xây dựng kinh tế Đại lục. Giờ đây, khi sức ảnh hưởng chính trị của Đại lục tại Hồng Kông đi lên, các doanh nghiệp nhiều tiền Trung Quốc cũng tăng sức ảnh hưởng.
|
Tại thành phố mà ngành tài chính chiếm gần 18% nền kinh tế, các hãng Trung Quốc xuất hiện ở khắp nơi. Hồi năm 1997, không có cái tên Đại lục nào trong top 10 doanh nghiệp hỗ trợ hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) song hiện nay, những gương mặt như China Construction Bank và Haitong Securities thống trị mảng này ở Hồng Kông. Khoảng 5 tỉ USD tiền vốn được huy động từ các đợt IPO từ đầu năm đến nay, nhiều hơn so với mức 3,4 tỉ USD trong cả năm 1997.
Nhiều nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, trong đó có HNA Group và Logan Property Holdings, vượt qua nhiều đối thủ địa phương trong cuộc đua tậu đất đắt tiền để phát triển bất động sản. Các hãng này thu về 37 tỉ đô la Hồng Kông giá trị đất mà chính quyền Hồng Kông bán để phát triển nhà ở trong năm nay. Không có công ty địa phương nào. Các nhà phát triển bất động sản Hồng Kông như Henderson Land Development kẹt trong đợt thầu bất động sản thương mại.
Thị trường điện thoại cũng ghi nhận mức chi phối lớn từ Trung Quốc. Công ty con của China Telecom dự kiến cho ra mắt dịch vụ di động trong tháng này. Năm ngoái, tờ South China Morning Post của Hồng Kông được tỉ phú Trung Quốc Jack Ma mua lại nhằm nâng sức ảnh hưởng của tiếng nói Đại lục so với phương Tây.
Giáo sư khoa học chính trị Ting Wai tại Đại học Baptist Hồng Kông nhận định: “Điều Trung Quốc quan tâm là sự thay đổi cơ bản của tư duy, tinh thần người Hồng Kông. Các tài phiệt địa phương lâu nay vẫn thống trị nền kinh tế Hồng Kông sẽ dần dà mất vị trí quan trọng trong nền kinh tế, trừ khi họ hợp tác với doanh nghiệp Đại lục”.
Tạm biệt nhà băng phương Tây
|
Năm 1997, Morgan Stanley, HSBC Holdings và Merrill Lynch là những nhà hỗ trợ IPO hàng đầu ở Hồng Kông trong danh sách 10 công ty chỉ gồm toàn công ty địa phương và hãng ngoại. Năm 2017, 9/10 cái tên trong cùng loại danh sách đến từ Đại lục. China Construction Bank, Haitong Securities và Agricultural Bank of China là ba hãng đứng đầu.
Để giành thị phần, các ngân hàng đầu tư Trung Quốc giảm phí. Đối với một số đợt IPO, đặc biệt là các đợt IPO lớn, giới cố vấn chỉ được trả một nửa số tiền mà họ từng được nhận cách đây 5 năm, tức 1% giá trị IPO. Hiện tại, hầu như toàn bộ danh sách công ty mới niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông đến từ Đại lục. Đây là sự thay đổi lớn so với cách đây sáu năm, khi sàn chứng khoán đặc khu nỗ lực thu hút các hãng ngoại như Prada, Samsonite International.
Hết thời nhà phát triển địa phương
|
Giới đầu tư Đại lục bắt đầu vượt mặt giới tỉ phú bất động sản Hồng Kông, những nhân vật từng chiếm ưu thế trong việc mua đất chính quyền để phát triển nhà ở hồi năm 2011. Năm nay, người mua Đại lục nắm tất cả các lô đất ở, tăng đáng kể so với năm ngoái khi họ chỉ nắm gần 1/2 số lô đất trên.
HNA Group với sự dẫn dắt của doanh nhân Chen Feng đặc biệt năng động. Năm ngoái, công ty sở hữu Hainan Airlines chi tổng cộng 27,2 tỉ đô la Hồng Kông cho bốn khu đất ở nơi trước đây từng là sân bay Kai Tak, đánh bại 19 nhà thầu khác khi chào giá kỷ lục 8,84 tỉ đô la Hồng Kông trong lần đấu thầu đất ở đầu tiên tại Hồng Kông của hãng.
Cạnh tranh trong ngành viễn thông
|
Sau thời gian hợp nhất với nhiều hãng Hồng Kông, năm 2006, China Mobile là người tiên phong bước vào thị trường chưa từng có hãng Đại lục nào. Nhà khai thác mạng không dây lớn nhất Trung Quốc khi đó thâu tóm China Resources Peoples Telephone, hãng vốn được kiểm soát bởi một công ty Đại lục. China Mobile giờ đây sở hữu 1/5 sóng điện thoại thương mại ở Hồng Kông, đứng cùng với nhiều doanh nghiệp Hồng Kông khác như Sun Hung Kai Properties và CK Hutchison Holdings.
Một công ty Trung Quốc khác là China Telecom cũng lên kế hoạch tung ra dịch vụ di động trong tháng 6, trong khi China Unicom đã bắt đầu cung cấp dịch vụ tại đặc khu này cách đây 15 năm.
Việc doanh nghiệp Đại lục tràn vào khiến nhiều công ty địa phương quan tâm. Chuyên gia nghiên cứu Castor Pang thuộc Core-Pacific Yamaichi International ở Hồng Kông cho biết: “Đối với doanh nhân địa phương, đây không còn là việc duy trì vị trí người dẫn đầu. Đây là chuyện sống còn. Nếu họ không làm gì đó, họ sẽ bị đẩy ra ngoài cuộc chơi”.
tin liên quan
Mức tự do của kinh tế Mỹ thua 15 nướcHồng Kông, Singapore và 13 nước khác là những cái tên vượt qua Mỹ, vào top 15 nền kinh tế tự do nhất thế giới.
Bình luận (0)