Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Giao thông vận tải sáng nay, 18.1.
Theo nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải TEDI, dự kiến tuyến đường sắt cao tốc này có tổng mức đầu tư lên tới hơn 50 tỉ USD (khoảng 114.000 tỉ đồng). Bộ Giao thông vận tải sẽ trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019.
Giai đoạn từ năm 2020 - 2030, triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/giờ đến dưới 200 km/giờ), đường đôi khổ 1.435 mm; điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/giờ trong tương lai; ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn.
Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350 km/giờ.
‘Nên dồn tiền xây đường sắt khổ đôi’
Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đường sắt cao tốc Bắc - Nam cần triển khai sớm để cân bằng các phương thức vận tải.
“Không có nước nào trong vòng vài năm đầu tư xong được hệ thống đường sắt cao tốc quốc gia vì nhanh nhất cũng vào khoảng 20 chục năm mới làm xong. Mỗi nhiệm kỳ phân bổ 5 - 7 tỉ USD (khoảng 11.000 - 15.000 tỉ đồng) thì hoàn toàn làm được dự án đường sắt cao tốc,” ông Minh cho hay.
Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, nguồn lực đầu tư nước ta ít nên lựa chọn khoản đầu tư nào mang lại lợi ích trước mắt nhanh và đồng thời kết hợp xã hội hóa để giảm chi phí đầu tư cho Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Minh cũng đưa ra quan điểm: “Nhà nước đầu tư có bị lệch ở chỗ đường bộ quy hoạch 5 tuyến, có nhất thiết phải 5 tuyến hay không? hay chỉ cần 2 - 3 tuyến và thay vào đó dồn tiền vào đầu tư để đường sắt có tuyến đôi thì sẽ phát huy hiệu quả rất nhiều nhờ vận tải khối lượng lớn”.
Bình luận (0)