Lắp mới toàn bộ đồng hồ điện bị tố thuộc diện 'đồ cổ' ở chợ An Đông

07/01/2018 11:55 GMT+7

Sau khi bị tiểu thương chợ An Đông đồng loạt tố đồng hồ điện lắp đặt tại chợ thuộc diện 'đồ cổ' vì bị lỗi nặng, UBND Q.5 (TP.HCM) đã yêu cầu đơn vị trúng thầu thay thế mới toàn bộ 1.690 cái.

Sáng nay 7.1, liên quan đến vụ tiểu thương chợ An Đông tố đồng hồ điện lắp đặt tại chợ thuộc diện “đồ cổ” vì bị lỗi nặng mà Thanh Niên phản ánh, Chủ tịch UBND Q.5 (TP.HCM) Phạm Quốc Huy, cho biết việc lắp đặt đồng hồ điện từng quầy sạp được thực hiện theo yêu cầu của tiểu thương kinh doanh tại chợ nhằm thực hiện việc quản lý chỉ số sử dụng điện theo thực tế của các hộ kinh doanh.
Trước khi lắp đặt, quận có tổ chức đấu thầu, và theo quy định, tất cả các đồng hồ phải được kiểm định đúng chuẩn kỹ thuật. Công ty TNHH Phương Lai là đơn vị trúng thầu, tiến hành lắp đặt 1.690 cái (giá trúng thầu 354.000 đồng/cái).
Tuy nhiên, sau khi tiến hành lắp đặt, tiểu thương phản ánh đồng hồ có cái chạy "phi mã", có cái không chạy… Qua kiểm tra, số lượng đồng hồ không đạt yêu cầu kỹ thuật chiếm số lượng lớn.
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của tiểu thương, UBND Q.5 đã yêu cầu đơn vị cung cấp là Công ty TNHH Phương Lai phải thay thế mới toàn bộ 1.690 cái, đảm bảo đúng chuẩn kỹ thuật. Chi phí thay mới do Công ty TNHH Phương Lai gánh chịu.
Chỉ nghiêm thụ khi tiểu thương đồng ý
Cũng trong sáng nay, ông Vũ Dương Lâm, Phó ban quản lý chợ An Đông cho biết thêm, sau khi phát hiện một số đồng hồ vận hành có sai sót, nhằm đảm bảo quyền lợi của tiểu thương, ngày 5.1 vừa qua, Ban quản lý chợ đã mời các đơn vị có liên quan cùng bà con tiểu thương trao đổi về biện pháp xử lý sự cố.
Từ đó, Công ty TNHH Phương Lai (đơn vị cung cấp) đã đồng ý thay thế toàn bộ 1.690 cái đồng hồ mới theo yêu cầu của Ban quản lý chợ và tiểu thương. Việc tiến hành thay thế sẽ thực hiện trong thời gian nhanh nhất để sớm đưa vào hoạt động.
Liên quan đến vị trí lắp đặt đồng hồ bị tiểu thương chê là “cao chót vót”, và “quá thiếu thực tế”, ông Vũ Dương Lâm cho biết theo ý kiến của Công ty TNHH vật tư xây dựng điện Quốc Bảo (đơn vị giám sát công trình) có nêu: do diện tích các quầy sạp tại chợ nhỏ (trung bình 2,1m2/sạp), trần thấp, bên trong quầy sạp để hàng hóa nhiều. Do đó, điểm lắp đặt trên nóc sạp là phù hợp với quy định an toàn về điện, tránh được các sự cố, tai nạn về điện nếu lắp trực tiếp bên trong quầy sạp, đồng thời việc lắp trên nóc sạp không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của tiểu thương.
Đại diện lãnh đạo Ban quản lý chợ An Đông cho biết thêm "việc nghiệm thu lắp đặt đồng hồ chỉ thực hiện khi số đồng hồ được thay thế mới vận hành ổn định và có ý kiến đồng ý của tiểu thương".
Xử lý dứt điểm các kiến nghị của tiểu thương
Chợ An Đông có tên chính thức là Trung tâm thương mại - dịch vụ An Đông. Tuy chức năng là “trung tâm thương mại - dịch vụ” nhưng trên thực tế, An Đông hoạt động theo mô hình chợ truyền thống. Đây là chợ lớn nhất của quận 5 với hơn 2.300 tiểu thương, và là một trong những chợ quy mô lớn nhất của TP.HCM.
Thời gian qua, cách điều hành, quản lý của Ban quản lý chợ An Đông bị tiểu thương nhiều lần phản ứng. Những “lình xình” chủ yếu do việc quản lý tài chính không minh bạch, việc nâng cấp, sửa chữa chợ chậm trễ… khiến tiểu thương bất bình.
Trả lời Thanh Niên, Chủ tịch UBND Q.5 Phạm Quốc Huy khẳng định quận đã kiểm tra, khắc phục những thiếu sót do nguyên nhân chủ quan từ Ban quản lý chợ. Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, UBND Q.5 đã và đang tích cực giải quyết dứt điểm các kiến nghị của tiểu thương nhằm ổn định hoạt động buôn bán, kinh doanh ở chợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.