Tiểu thương chợ An Đông lại khốn khổ vì đồng hồ điện

06/01/2018 12:23 GMT+7

Lắp đặt 1.690 đồng hồ điện, nhưng chỉ có 120 giấy kiểm định được trình tại thời điểm lắp. Sau 2 tháng chạy thử, kiểm tra trong 1 ngày 10 cái có 6 đồng hồ bị lỗi nặng.

Thông tin trên được bà Kim Phượng, tiểu thương Trung tâm thương mại và dịch vụ An Đông (chợ An Đông, Q.5, TP.HCM) nêu ra tại buổi họp với chủ đầu tư là Ban quản lý đầu tư - xây dựng công trình Q.5 (thuộc UBND Q.5) và nhà thầu thi công lắp đặt - Công ty TNHH Phương Lai, tại chợ An Đông vào chiều 5.1.
Đồng hồ điện chạy như "phi mã"
Theo phản ánh của nhiều tiểu thương, sau nhiều năm dài kiến nghị để được lắp đồng hồ điện riêng ở mỗi sạp đang kinh doanh tại chợ, thay vì thu khoán tiền điện như trước, đầu tháng 11.2017, gói thầu 1.690 chiếc đồng hồ điện được triển khai gắn hàng loạt tại các sạp. Thế nhưng, sau 2 tháng vận hành, có cái chạy nhanh “phi mã”. Tại tầng trệt chợ, các quầy từ D11-D13 của cùng một chủ là bà Thu Thùy, tính từ ngày 23 - 30.12.2017, đồng hồ đã báo tiêu thụ đến 192kw điện. Bà Khánh Huệ, chủ sạp C53 cho biết: “3 sạp gần liền kề nhau, cùng diện tích, cùng lượng bóng đèn led và quạt sử dụng, nhưng lượng điện tiêu thụ chênh nhau hàng trăm kw điện trong cùng khoảng thời gian, lần lượt 178kw, 44kw và 59kw”. 
Theo ông Dương Thanh Trung trong quá trình báo giá, có 3 đơn vị tham gia. Cụ thể, Công ty Bách Việt báo giá cho hai loại đồng hồ 10A và 20A là 350.000 - 358.000 đồng/cái cộng thêm phí kiểm định 20.000 đồng/cái. SPCETC báo giá 334.000 - 352.000 đồng/cái cộng thêm 30.000 phí kiểm định. Công ty TNHH Phương Lai chỉ có một mức giá 354.000 đồng/cái bao gồm phí kiểm định. Cuối cùng, nhà đầu tư quyết định chọn Công ty TNHH Phương Lai vì có giá thấp nhất.

“Sạp của tôi tính trung bình mỗi ngày chỉ với 2 bóng đèn led và 1 cái quạt, tiêu thụ hết hơn 20kw điện. Tập thể tiểu thương chúng tôi quá khổ cực sau 5 lần 7 lượt phản ánh, miệt mài mấy năm, ban quản lý chợ mới được bỏ cách thu điện theo kiểu khoán, lắp đồng hồ riêng cho mỗi sạp. Nhưng với những chiếc đồng hồ điện có có gắn kiểm định đàng hoàng, lại không có tem, chạy như phi mã kiểu này, chúng tôi hoàn toàn có quyền nghi vấn về chất lượng đồng hồ điện”, bà Thái Trang, tiểu thương chợ, bức xúc.
Bà Kim Phượng bổ sung, cả TP.HCM nay đã sử dụng đồng hồ điện tử, UBND Q.5 lại chọn làm đồng hồ cơ là quá lỗi thời. Vị trí gắn đồng hồ cách mặt đất 3 mét nên muốn ghi chỉ số điện phải sắm thang bỏ sẵn để nhân viên kỹ thuật xem và trung bình mỗi tháng nhân viên đó phải “leo lên leo xuống” 1.690 lần như vậy.
“Những lỗi nghiêm trọng xảy ra với 1.690 đồng hồ mà chúng tôi phản ánh hôm nay là do tiểu thương bắc thang lên xem mới biết, phản ánh rồi bên kỹ thuật xuống xem. Một ngày kiểm tra 10 cái đồng hồ thì đúng 6 cái có vấn đề. Chủ đầu tư và nhà thầu gắn xong đi thẳng không hay biết gì cả... Theo công thức tính điện năng thông thường thì chúng tôi “tính rợ” cũng biết mỗi ngày mình dùng bao nhiêu điện. Đừng để chúng tôi sử dụng “đồ cổ” kém chất lượng như vậy”, bà Phượng nói.
Tiểu thương chợ An Đông cho rằng vẫn còn nhiều bất cập trong việc lắp đồng hồ điện ở các sạp Ảnh: Nguyên Nga
Lỗi hơn 50% chỉ sau 2 tháng vận hành
Ông Nguyễn Trọng Huân, Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH Phương Lai, đơn vị thầu thi công và lắp đặt 1.690 đồng hồ điện, cũng là người trực tiếp đi kiểm tra 37 đồng hồ điện trong 3 ngày trước cuộc họp, khẳng định tất cả đồng hồ điện được lắp đặt tại chợ là hàng chính hãng và đã được kiểm định bởi Trung tâm thí nghiệm điện 2 (Công ty Thí nghiệm điện miền Nam - SPCETC). Tuy nhiên, ông Huân thừa nhận “lượng đồng hồ điện có sự cố nhiều hơn bình thường" và cho biết 37 đồng hồ điện được kiểm tra phát hiện do lỗi động cơ (9 cái), lỗi do thi công (6 cái), lỗi không vô điện (3 cái), chạy quá nhanh (3 cái), chạy chậm (3 cái)… Như vậy, tỉ lệ lỗi của lô hàng cao hơn 50%. Nhưng đại diện Công ty Phương Lai nói trách nhiệm này thuộc về… đơn vị kiểm nghiệm là SPCETC.
Cũng theo ông Huân, nguồn đồng hồ điện được cung cấp cho thị trường miền Nam chủ yếu đưa từ miền Bắc vào và “chọn nhà thầu nào thì nguồn hàng cũng từ một nơi cung cấp mà ra”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên mặt đồng hồ điện đang được gắn tại các quầy sạp chợ An Đông, sản phẩm ghi “sản xuất tại Công ty TNHH MTV Thiết bị đo điện".
Ông Dương Thanh Trung, Giám đốc Ban quản lý đầu tư - xây dựng công trình Q.5, phụ trách chính dự án gắn đồng hồ điện tại chợ An Đông thông tin, dự án gắn đồng hồ điện có 3 nhà cung cấp chào giá gồm: Công ty Bách Việt, SPCETC và Công ty TNHH Phương Lai. Cuối cùng, chủ đầu tư chọn nhà cung cấp và thi công Phương Lai do có giá bỏ thầu thấp nhất. "Những nhận xét của chúng ta về đồng hồ điện chạy nhanh hay chậm thiết nghĩ cũng không nên cảm tính, phải kiểm tra lại và chúng tôi đề xuất với quận phương án xử lý trong thời gian sớm nhất…”, ông Trung nói. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương khẳng định chủ đầu tư quá chủ quan trong việc chọn gói thầu cũng như vị trí lắp đặt quá thiếu thực tế.
“Vì ban quản lý chợ thu khoán tiền điện và để mỗi năm thừa hơn tỉ đồng chi dùng không đúng, nên tiểu thương kiến nghị để lắp đồng hồ. Nay để việc lắp đặt đồng hồ kém chất lượng lại vô hình trung đưa chúng tôi vào tình huống bất hợp lý khác”, bà Vân, tiểu thương kinh doanh giày dép tại chợ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.