Mì gói đang 'chết dần' ở Trung Quốc?

01/10/2016 09:23 GMT+7

Bài viết dưới đây là góc nhìn của nhà báo Adam Minter thuộc chuyên mục Bloomberg View.

Một bát mì ăn liền dường như chẳng phải là biểu tượng của sức sống kinh tế. Song trong những năm kinh tế bùng nổ, mì ăn liền có mặt khắp nơi tại các công trình xây dựng ở Đại lục, bên dưới nhiều cần cẩu cao.
Đây không phải là chuyện ngẫu nhiên. Với hàng triệu công nhân Trung Quốc, mì gói là bữa ăn thuận tiện, sẵn sàng chỉ với vài cent và có mặt ở tất cả cửa hàng tiện dụng. Các nhà sản xuất mì gói Trung Quốc làm ăn phát đạt. Từ năm 2003 đến năm 2008, doanh số mì ăn liền hằng năm của nước này tăng từ 4,2 tỉ USD lên 7,1 tỉ USD.
Song khi kinh tế Trung Quốc chậm lại, sức hút của mì gói cũng giảm đi. Đầu tháng này, nhà sản xuất lớn nhất Đại lục Tingyi rời khỏi chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông sau khi lợi nhuận mì giảm 60%. Doanh số mì ăn liền Trung Quốc hạ 6,75% trong năm nay và đây là năm giảm thứ tư liên tiếp.
Nguyên nhân đầu tiên của tình hình này là vấn đề nhân khẩu học. Các nhà sản xuất mì ăn liền Đại lục đi lên cùng với sự bùng nổ kinh tế được thúc đẩy từ đợt di cư lao động giá rẻ từ miền quê. Song dân số ở độ tuổi lao động của Trung Quốc suy giảm từ năm 2010. Trong năm 2015, lần đầu tiên số dân nhập cư giảm xuống trong 30 năm. Khi nhiều lao động ở nhà, mong muốn và khả năng chọn lựa bát mì gói giảm xuống. 
Nền kinh tế chậm lại cũng là nguyên nhân. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng trong doanh số bán hàng các sản phẩm thực phẩm và tiêu dùng chạm đáy 5 năm, theo nghiên cứu hãng Bain công bố trong tháng 6. Sự sụt giảm đặc biệt mạnh ở các loại hàng hóa phục vụ người lao động tay chân, chẳng hạn như bia giá rẻ và mì gói. Đây là một phần kết quả của chuyện việc làm ở Đại lục “khăn gói” sang các nước khác có lương bổng thấp hơn.
Song tin xấu với nhà sản xuất mì gói là tin tốt cho nhiều người khác. Tiền lương tăng cải thiện mức sống và kỳ vọng cho hàng triệu công nhân Trung Quốc. Nếu đến thăm một nhà máy phía tây nam Đại lục những ngày này, bạn sẽ thấy lựa chọn thực phẩm cải thiện đáng kể. Khi nhân viên ngày càng khan hiếm, nhiều quyền lợi như thực phẩm tốt hơn đang ngày càng quan trọng.
Người lao động Trung Quốc cũng có khả năng và sẵn sàng chi nhiều hơn cho nhu cầu thường ngày. Theo khảo sát, một nửa người tiêu dùng cho biết họ tìm kiếm sản phẩm “tốt nhất và đắt nhất”. Tô mì ăn liền giá 25 cent không còn được ưu ái.
Kế đến là yếu tố sức khỏe. Mì ăn liền có tiếng xấu ở Trung Quốc vì bê bối, tin đồn và vụ ngộ độc thực phẩm năm 2012. Có nhiều cáo buộc tồn tại từ lâu rằng mì bị nhiễm chất làm dẻo. Dù thông tin trên có là sự thật hay không, bê bối chắc chắn chẳng giúp gì cho các hãng sản xuất.
Kể cả tính tiện lợi của mì ăn liền giờ cũng “lép vế”. Trên đường phố nhiều đô thị Đại lục giờ đây đầy ắp những người giao hàng bằng xe gắn máy, xe đạp, cố gắng đua với thời gian để giao tận tay khách các đơn hàng có thể cạnh tranh với thức ăn nhanh Trung Quốc về mặt giá cả. Giá trị của bữa ăn dạng này là 20 tỉ USD trong năm 2015, tăng 55% từ năm 2014. Lựa chọn nhanh chóng, khỏe mạnh hơn chỉ cách người tiêu dùng một ứng dụng trên thiết bị di động. Điều này áp dụng với cả học sinh, sinh viên và công nhân.
Các nhà sản xuất và nhập khẩu mì ăn liền Trung Quốc đang chật vật lấy lại đà tăng trưởng. Dù vậy, họ vẫn gặp trở ngại khác là sức cạnh tranh từ Hàn Quốc - đất nước có uy tín an toàn thực phẩm cao hơn nhiều so với Trung Quốc. Một lựa chọn cho các hãng này là bán mì gói đến các thị trường mới nổi châu Á, chẳng hạn như Việt Nam - nơi tiêu thụ vẫn đang đi lên cùng ngành sản xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.