Mở rộng điều tra Khaisilk

01/11/2017 08:39 GMT+7

Theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, dự kiến hôm nay 1.11 đoàn kiểm tra liên ngành sẽ có cuộc làm việc trực tiếp tại trụ sở chính của Khaisilk Group ở TP.HCM để điều tra, làm rõ toàn bộ các hoạt động có liên quan đến vụ kinh doanh khăn lụa xuất xứ Trung Quốc núp bóng hàng VN.

Kiểm tra toàn bộ hoạt động của khaisilk
Sáng 31.10, Văn phòng UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn thông báo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến liên quan đến những vụ việc có dấu hiệu gian lận thương mại trên địa bàn TP. Ông Trần Vĩnh Tuyến giao Sở Công thương, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM khẩn trương kiểm tra toàn bộ hoạt động của Công ty cổ phần đầu tư Khaisilk (Khaisilk) và tất cả các đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP có biểu hiện gian lận thương mại để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Ngay chiều cùng ngày, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tiến hành kiểm tra một số cửa hàng Khaisilk tại TP.HCM. Bên ngoài cửa hàng 101 Đồng Khởi, Q.1, trước khi vào trong kiểm tra, ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết sẽ thông tin kết quả kiểm tra khi kết thúc. Chiều 31.10, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết thêm cơ quan này vẫn đang tiếp tục thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của thương hiệu Khaisilk và sẽ công bố kết quả sau. Tại TP.HCM, có 3 cửa hàng chuyên bán tơ lụa Khaisilk và 4 nhà hàng có trưng bày hàng ở Q.3, Q.7. Tuy nhiên từ ngày 26.10, các điểm bán hàng đã đồng loạt đóng cửa với thông báo tạm ngừng kinh doanh để kiểm tra hàng hóa.
Làm rõ mô hình kinh doanh
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, việc kiểm kê hàng hóa, hợp đồng, chứng từ mua bán, xuất nhập khẩu của Khaisilk phải được tiến hành nhanh chóng, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Từ đó sẽ có đủ bằng chứng cho thấy đây là một hoạt động có chủ đích kéo dài qua nhiều năm và cơ quan quản lý nhà nước cũng có biện pháp xử lý phù hợp, đúng tội, đúng pháp luật. “Khaisilk là một DN lớn, sẽ có hoạt động kê khai doanh số và đóng thuế hằng năm. Chỉ cần kiểm tra hóa đơn, chứng từ mua hàng đầu vào trong vòng vài năm gần đây là sẽ rõ ngay hàng hóa xuất xứ ở đâu. Theo quy định, chứng từ liên quan để kiểm tra thuế DN phải lưu trữ trong thời gian 5 năm và như vậy cũng đủ để kiểm ta xem việc bán hàng Trung Quốc nhưng núp bóng hàng VN là sơ sót hay cả quá trình. Việc kiểm tra này theo tôi không quá khó khăn và có thể làm nhanh để có câu trả lời thỏa đáng cho người tiêu dùng”, chuyên gia Đinh Thế Hiển nói.
Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico, đằng sau câu chuyện này đề cập đến sự bất hợp lý cực kỳ lớn về mô hình hộ kinh doanh. Khi đã đăng ký hộ kinh doanh tức là đã trở thành thương nhân, phải là một DN chuyên nghiệp, độc lập. Nếu cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai do bà Nguyễn Thị Thu Nga đứng tên đăng ký chủ hộ kinh doanh, tức sẽ không có khái niệm công ty, không có bất cứ liên quan gì đến ông Hoàng Khải. Bên cạnh đó, cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai tại Hà Nội cũng là địa điểm đăng ký hoạt động của chi nhánh Công ty TNHH Khải Đức - đơn vị đang quản lý thương hiệu Khaisilk. Vì vậy các cơ quan chức năng cần làm rõ mô hình kinh doanh như trên có bất hợp pháp hay không? Hay hoạt động theo kiểu 1 hộ đăng ký 2, 3 địa điểm kinh doanh để đẩy chi phí, giảm lợi nhuận, làm thất thu cho nhà nước.
Đồng tình, luật sư Phạm Hoài Nam, Đoàn luật sư TP.HCM, đề nghị cơ quan điều tra, công an cần ngay lập tức làm rõ vấn đề nhượng quyền hoặc có giao dịch hàng hóa, ủy quyền kinh doanh giữa Khaisilk và cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hà Nội). “Cơ quan quản lý nhà nước phải phối hợp kiểm tra toàn bộ hệ thống các cửa hàng Khaisilk xem có bán hàng nhập gắn mác VN ngoài sản phẩm khăn lụa hay không. Nếu có thì rõ ràng ông chủ Hoàng Khải đang đổ trách nhiệm cho chủ hộ đăng ký kinh doanh và đủ mọi yếu tố cấu thành phạm pháp hình sự”, luật sư Nam đặt vấn đề.
Khăn tơ tằm Trung Quốc nhập giá 92.000 đồng/chiếc
Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, kể từ năm 2005 đến hết tháng 9.2017, VN đã nhập hơn 8.800 chiếc khăn tơ tằm Trung Quốc chính ngạch, trị giá 35.800 USD (tương đương 816 triệu đồng). Với giá bình quân hàng nhập nói trên, mỗi chiếc khăn tơ tằm Trung Quốc nhập về VN có giá trên 92.700 đồng.
Cùng thời điểm, VN cũng nhập hơn 753.000 m vải tơ tằm, trong đó riêng 9 tháng năm 2017 là 153.000 m. Về địa điểm nhập hàng khăn lụa, vải tơ tằm Trung Quốc về VN, Tổng cục Hải quan chỉ rõ, năm 2015, cửa khẩu hải quan sân bay Tân Sơn Nhất nhập hàng nhiều nhất, với trị giá hơn 1,8 triệu USD, cảng Hải Phòng đứng thứ 2 với hơn 1 triệu USD. Năm 2016, cửa khẩu hải quan sân bay Tân Sơn Nhất nhập hơn 1 triệu USD; 9 tháng năm 2017, Hải quan cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất nhập nhiều nhất, trị giá gần 500.000 USD.
Tiêu Phong
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.