Nuôi xen tôm càng xanh trong vườn dừa

Sớm xác định vùng đất mình đang sinh sống sẽ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, hơn 10 năm về trước, ông Nguyễn Văn Đoàn đã từ bỏ cây lúa, mía và kiên trì theo đuổi mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong vườn dừa.

Trồng dừa trên đất ngập mặn
Năm 1986, sau khi mô hình sản xuất tập đoàn tan rã, gia đình ông Đoàn (56 tuổi, ngụ ấp Xương Thạnh 3, xã Thới Thạnh, H.Thạnh Phú, Bến Tre) cũng nghèo xơ xác như nhiều bà con ở huyện Thạnh Phú lúc bấy giờ. Nhà đông con, đất đai mọc toàn cây dại, mỗi năm chỉ canh tác một vụ lúa mùa mà vụ trúng vụ thất nên cảnh nhà lại càng khó khăn.
Cuối những năm 90, khi phong trào đào đất bằng xáng múc dây để nuôi tôm sú ở huyện Thạnh Phú phát triển mạnh, ông Đoàn cũng hăng hái tham gia phong trào này. Do độ mặn của nước ở khu vực xã Thới Thạnh quá thấp nên ông buộc phải lựa chọn giữa con tôm và cây dừa. Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định lên liếp cao trồng dừa và tận dụng các ao phía dưới để nuôi tôm càng xanh.
“Trước khi chọn cây dừa, tôi từng lên liếp trồng mía, phía dưới trồng lúa nhưng thường mất mùa vì ảnh hưởng độ mặn, ngọt của nước sông. Tôi thấy chỉ có trồng dừa kết hợp các ao xen nuôi tôm càng xanh mới phù hợp với phần đất nửa trong, nửa ngoài đê bao như tôi”, ông Đoàn cho biết.
Nhờ áp dụng mô hình này, vườn dừa của ông cho năng suất cao nhưng con tôm càng xanh thì không được như mong đợi. Ban đầu, ông chỉ có thể tìm mua con giống từ ngư dân địa phương đánh bắt về nuôi nên mất hơn 10 năm, ao tôm trong vườn dừa vẫn như nuôi cho có. Mãi đến năm 2012, khi dự án về thích ứng với biến đổi khí hậu của Sở NN-PTNN tỉnh Bến Tre được triển khai, nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia thủy sản Trường ĐH Cần Thơ, mô hình của ông Đoàn mới thật sự phát huy hiệu quả.

tin liên quan

Triển vọng nuôi tôm càng xanh trong vùng nước lợ
Trước diễn biến ngày càng bất lợi của thời tiết, nông dân H.Vĩnh Thuận (Kiên Giang) tìm tòi, ứng dụng nhiều giải pháp thích hợp để nuôi tôm càng xanh trong vùng nước lợ đạt hiệu quả kinh tế cao.
Đưa tôm càng xanh vào vườn dừa
Khi tiến hành dự án, các chuyên gia Trường ĐH Cần Thơ hướng dẫn bà con phân chia theo tỷ lệ 1:3 giữa diện tích ao tôm và trồng dừa. Trong diện tích nuôi tôm phải có ao ươm tôm giống và sau 3 tháng ươm phải cắt bỏ càng tôm trước khi thả ra ao thương phẩm. Đặc biệt, phải kiểm soát triệt để môi trường ao nuôi và đảm bảo đủ thức ăn cho tôm.
“Việc cắt bỏ càng tôm giúp khai thác tôm dễ đạt loại 1 vì không vướng càng dây. Ngoài ra, các vấn đề như môi trường nước ô nhiễm, tôm thiếu thức ăn cũng chính là nguyên nhân khiến tôm khó phát triển”, ông Đoàn chia sẻ.
Hiện ông Đoàn luân canh 3 vụ tôm trong năm với tổng diện tích gần 8.000 m2 mặt nước. Ông cho biết sau khi áp dụng kỹ thuật của Trường ĐH Cần Thơ, ông phát hiện nhiều khi mình cắt càng tôm không đúng khớp, nên đã nghĩ ra cách cầm chắc càng cho tôm búng để càng tự rời ra. Ngoài ra, sau khi tôm được 2 tháng, ông tranh thủ nguồn thức ăn tươi sống từ các ghe cào ở địa phương cho tôm ăn. Tôm lớn nhanh trong khi chi phí thức ăn giảm khoảng 30% so với thức ăn công nghiệp. Hiện tỷ lệ thất thoát khi thu hoạch tôm của ông không vượt quá 60%. Năm 2015, ông thu được tổng cộng 1,5 tấn tôm càng loại 1, bán với giá gần 500.000 đồng/kg. Sau mỗi lần ươm hay thu hoạch tôm thịt, ông đều bơm đất lên liếp dừa khiến trái dừa ngày càng to và sai hơn trước.
Ông Võ Văn Ân, Bí thư đảng ủy xã Thới Thạnh, cho biết hiện 51 hộ có đất lân cận với ông Đoàn đang làm theo mô hình này, nâng tổng diện tích áp dụng lên gần 60 ha. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hộ trên đã thành lập Tổ hợp tác Tôm càng xanh nuôi xen trong mương vườn dừa. Các thành viên trong tổ thường xuyên được tập huấn kỹ thuật nuôi, cho vay vốn tối đa 50 triệu đồng/hộ. Hơn 20 hộ trước năm 2012 còn là hộ nghèo nay đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn.
“Cùng với mô hình nuôi xen tôm càng xanh trong ruộng lúa, mô hình nuôi xen trong mương vườn dừa sẽ được chúng tôi nhân rộng ra tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Chúng tôi xem đây là mô hình phi công trình hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro ở vùng đất này”, ông Trương Thanh Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thạnh Phú, khẳng định.

tin liên quan

Tôm càng xanh phù hợp với vùng bị xâm nhập mặn
Tôm càng xanh là vật nuôi phù hợp với nguồn nước có độ mặn từ 4 - 6‰, thậm chí 10‰, đạt giá trị kinh tế cao, bền vững cho người nông dân. Đặc biệt, tôm càng xanh toàn đực nuôi bán thâm canh trong ao tôm biển sẽ đạt lợi nhuận từ 44% trở lên so với vốn đầu tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.