Theo CNBC, chiến lược mới của Trung Quốc là tìm kiếm sự trợ giúp của thị trường năng lượng. Bắc Kinh có thể đưa ra cách định giá dầu mới trong những tháng tới, nhưng khác với các hợp đồng giao dịch dựa trên đồng USD đang chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, tiêu chuẩn mới sẽ dử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Nếu việc này nhận được sự chấp nhận rộng rãi như hi vọng của Đại lục, thì vị trí đồng tiền mạnh nhất thế giới của đồng bạc xanh sẽ bị thách thức.
Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, vì vậy Bắc Kinh coi việc dùng đồng tiền của họ để định giá cho một trong những mặt hàng quan trọng nhất của nền kinh tế toàn cầu là điều hợp lý. Không chỉ Trung Quốc, Nga gần đây cũng đưa ra chiến lược nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, hạn chế tiếp xúc với rủi ro tiền tệ cũng như lệnh trừng phạt của Mỹ.
“Ít nhất ở thời điểm này trò chơi vẫn chưa thay đổi, nhưng đây sẽ là dấu hiệu bắt đầu thời kỳ suy giảm của đồng USD”, theo Gal Luft, đồng Giám đốc của Viện Phân tích An toàn Toàn cầu, một nhóm chuyên gia về an ninh năng lượng của Washington.
Song, quá trình xây dựng tiêu chuẩn định giá dầu mới của Trung Quốc nhằm cạnh tranh với tiêu chuẩn hiện tại như dầu Brent hoặc West Texas Intermediate (WTI), cả hai đều được niêm yết bằng USD, nhiều khả năng sẽ bị cản trở. Nguyên nhân là do quốc gia châu Á đang phải đối mặt với hoài nghi trong thị trường dầu mỏ và nhận thức toàn cầu cho rằng chính phủ Trung Quốc đang kiểm soát nền kinh tế quá nhiều. Chưa kể, dầu thô đã được niêm yết bằng đồng USD hơn bốn thập niên, đồng thời việc thu hút sự quan tâm từ các thị trường vốn đã quen với đồng bạc xanh như châu Âu, Mỹ, và Trung Đông cũng không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
“Rất nhiều hợp đồng tương lai đã được đưa ra và nhận được sự chú ý. Nhưng kết quả là lượng hợp đồng này đã không trụ lại được vì ''chìa khóa'' vẫn nằm ở khả năng thanh khoản”, Jeff Brown,Giám đốc Công ty tư vấn năng lượng quốc tế FGE, cho hay.
Một trở ngại khác trên con đường tham vọng của Đại lục chính là bản thân đồng nhân dân tệ. Đồng tiền này vẫn chưa được chuyển đổi hoàn toàn, dễ bị can thiệp và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Thực tế này khiến nhiều nhà đầu tư toàn cầu nghi ngại rằng tiêu chuẩn niêm yết dầu mới cũng sẽ bị Bắc Kinh quản lý.
“Quan ngại lớn nhất của tôi là chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ can thiệp và thiên vị các công ty trong nước. Thách thức lớn nhất trên thị trường dầu mỏ toàn cầu là làm sao để có thể đảm bảo không có một quốc gia hay tổ chức nào có lợi thế vượt trội. Hầu hết các đối tác không thích một hợp đồng mà ở đó vai trò chi phối của chính phủ quá lớn”, John Driscoll, cựu thương gia dầu mỏ có kinh nghiệm gần 40 năm trong nghề, kiêm Giám đốc JTD Energy Services tại Singapore, nói.
Tuy nhiên, bất kể những ý kiến trái chiều, Bắc Kinh vẫn thúc đẩy kế hoạch này. Các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua đưa tin rằng “kế hoạch đã tiến triển nhanh chóng”. Theo Reuters, nước này cũng mở hơn 6.000 tài khoản giao dịch cho hợp đồng dầu thô kỳ hạn để hỗ trợ cho tiêu chuẩn mới.
Bình luận (0)