Tăng trưởng toàn cầu phụ thuộc vào nợ của Trung Quốc

03/08/2017 19:58 GMT+7

Tốc độ tăng nợ của Trung Quốc đang là tấm gương phản chiếu hiện trạng nền kinh tế toàn cầu.

Trong thời gian qua, Trung Quốc là tâm điểm của không ít sự chỉ trích vì núi nợ khổng lồ của nước này đang gây ra mối đe dọa lớn cho kinh tế thế giới. Một cuộc suy thoái mới bùng nổ trên toàn cầu là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra, nếu Đại lục vẫn mãi chần chừ trong việc giải quyết nợ.
Song, ở một góc độ khác, chuyên gia Daniel Moss của Bloomberg lại cho rằng nếu không có sự kích thích to lớn của Trung Quốc trong năm 2008, một trong những chất xúc tác hiện gây ra sự lãng phí tín dụng, thì thế giới có lẽ sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính. Việc “bơm” tín dụng không chỉ giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới duy trì con số tăng trưởng trong khoảng 6,5% đến 7%, mà còn giữ nền tảng cho kinh tế toàn cầu phát triển, trong khi Mỹ dường như đang bị mắc kẹt và loay hoay với tốc độ tăng trưởng khiêm tốn ở mức 2%. Hơn nữa, nếu nhìn vào thực tế hàng loạt doanh nghiệp lớn, đặc biệt là những công ty Mỹ như Apple hay Starbucks ''ôm giấc mộng'' Trung Quốc, có lẽ người ta sẽ khó để phủ nhận sức hấp dẫn mà thị trường đông dân nhất thế giới đã tạo ra.
Trong trường hợp nếu Trung Quốc bị lúng túng thì Mỹ, châu Âu và Nhật Bản có lẽ vẫn sẽ duy trì được lộ trình phát triển và mở rộng kinh tế toàn cầu đều đều ở mức 3% đến 4% mỗi năm. Nhưng phạm vi đó nhiều khả năng sẽ không đủ “nóng” để kích thích kinh tế thế giới vì các con số trên dường như chỉ phù hợp với tốc độ tăng trưởng trung bình của những năm 1980 hơn là thời điểm hiện tại.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mặc dù cũng nhiều lần cảnh báo về nợ của quốc gia châu Á, nhưng họ đã tăng dự báo cho kinh tế Trung Quốc trong năm nay, nói rằng những “hỗ trợ trong năm tài chính sẽ được tiếp tục”. Đồng thời IMF ước tính rằng tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ còn tăng cao trong năm tới, vì “chính quyền sẽ trì hoãn điều chỉnh các ngân sách cần thiết”.
Chính phủ Bắc Kinh gần đây cũng đã nhận thức rõ hơn về những nguy hiểm từ gánh nặng nợ nần khi họ yêu cầu các quan chức cần để mắt chặt chẽ đến “tê giác xám”, lối nói ẩn dụ cho những rủi ro kinh tế có thể lường trước được nhưng lại thường bị bỏ qua, đặc biệt khi bong bóng bất động sản, bong bóng ngân hàng đang “phồng” to lên.
Tóm lại, việc mở rộng nợ của Trung Quốc đã khiến thế giới chìm đắm vào cả hai thái cực “biết ơn” và “lo lắng”. Có lẽ người ta sẽ không thể đổ lỗi cho một quốc gia có mức nợ cao mà quên đi, hoặc không thừa nhận vai trò của nó trong việc hỗ trợ kinh tế toàn cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.