Trung Quốc chèn ép kinh tế Hàn Quốc thay vì Triều Tiên

01/09/2017 11:26 GMT+7

Trong khi thế giới đang theo dõi xem Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho kinh tế Triều Tiên như thế nào, thì dường như nỗ lực của Bắc Kinh lại chỉ nhắm đến nước láng giềng Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã phải chịu đựng rất nhiều sự chèn ép từ đầu năm nay kể từ khi quân đội nước này triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ khiến cho Bắc Kinh nổi giận.
Trong khi cả Washington và Seoul đều nói rằng THAAD chỉ nhằm mục đích bảo vệ đất nước khỏi mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, Trung Quốc lại khẳng định động thái này gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Đại lục và đưa ra hàng loạt biện pháp chế tài không chính thức đối với Hàn Quốc.
Nạn nhân trực tiếp từ sự trừng phạt của Trung Quốc phần lớn tập trung vào các công ty du lịch, sản xuất ô tô và nhà bán lẻ. Trong đó, Hyundai, một trong những hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới hôm 30.8 cho biết công ty đã buộc phải ngừng sản xuất ở Trung Quốc trong vòng một tuần.
Dưới đây là các lĩnh vực kinh doanh của Hàn Quốc đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ phía Bắc Kinh, theo tổng hợp từ CNN.
Ô tô
Doanh số bán hàng trong quý 2/2017 của Huyndai tại Trung Quốc, thị trường nước ngoài lớn nhất của hãng, đã giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù có hoạt động kinh doanh liên danh với một nhà sản xuất ô tô địa phương, nhưng điều này vẫn không thể ngăn cản các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc kêu gọi người dân tẩy chay sản phẩm của Hyundai. Sự sụt giảm doanh số nặng nề là một trong những lý do chính khiến nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc đưa ra quyết định ngừng hoạt động các nhà máy ở Đại lục.
Kia Motors, thương hiệu ô tô lớn thứ hai của Hàn Quốc, cũng chứng kiến doanh số bán hàng lao dốc tại Trung Quốc. Song, những khó khăn mà quốc gia đông dân nhất thế giới đang gây ra cho các nhà sản xuất ô tô nước láng giềng nhiều khả năng cũng sẽ để lại hậu quả đối với nền kinh tế của họ. Doanh thu giảm và sản lượng thấp hơn có nghĩa là nhiều công việc cho người Trung Quốc đang bị mất đi.
Du lịch
Số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Hàn Quốc giảm mạnh kể từ khi Đại lục tuyên bố không chính thức việc cấm các hãng lữ hành trong nước bán dịch vụ du lịch đến nước láng giềng hồi tháng 3.2017. Theo Tổ chức Du lịch Hàn Quốc, lượng khách đến từ Trung Quốc gần như đã giảm đi một nửa trong bảy tháng đầu năm nay, giảm từ 4,7 triệu người xuống còn 2,5 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này là một vấn đề lớn đối với các lĩnh vực có liên quan như khách sạn, nhà hàng, cửa hàng miễn thuế và các ngành kinh doanh du lịch khác. Khách du lịch Trung Quốc chiếm gần một nửa trong tổng số 17 triệu lượt người đến Hàn Quốc năm 2016, và họ cũng là những người chi tiêu nhiều hơn so với khách du lịch đến từ các nước khác.
Bán lẻ
Tập đoàn Lotte, một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Hàn Quốc, có lẽ là đơn vị đã phải chịu đựng cú sốc nặng nề nhất từ sự trừng phạt của Trung Quốc. Nguyên nhân là do Lotte đã đồng ý đổi đất cho quân đội triển khai THAAD.
Hàng chục cửa hàng bán lẻ của Lotte tại Đại lục đã bị đóng cửa. Một đề án xây dựng công viên giải trí cũng bị đình trệ. Lotte cho biết doanh số bán hàng tại các siêu thị của công ty ở Trung Quốc đã hạ 95% trong quý 2/2017. Không những thế, hoạt động kinh doanh tự do của Lotte ở Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm khách du lịch Trung Quốc.
Điện tử
Mặc dù lĩnh vực điện tử cũng nằm trong danh sách chèn ép của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh dường như không quá mạnh tay với ngành công nghiệp khổng lồ của nước láng giềng, có lẽ bởi vì ảnh hưởng tới nền kinh tế của nó sẽ quá nghiêm trọng.
Theo Rajiv Biswa, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại công ty nghiên cứu thị trường HIS Markit, Hàn Quốc cung cấp hơn một phần tư các vi mạch mà Trung Quốc cần mua. “Dù Trung Quốc đưa ra những biện pháp kinh tế đáng kể đối với ngành du lịch của Hàn Quốc, nhưng tác động kinh tế nói chung đã được giảm nhẹ đối với điện tử của Hàn Quốc vì nhu cầu điện tử trong nước tăng mạnh”, ông Biswa nói.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tìm cách cải thiện mối quan hệ với Bắc Kinh với động thái ban đầu là tạm dừng triển khai thêm các thiết bị của THAAD. Tuy nhiên, Trung Quốc lại muốn hệ thống này bị dỡ bỏ hoàn toàn ra khỏi Hàn Quốc, một đòi hỏi có vẻ như không khả thi trong bối cảnh căng thẳng tên lửa hạt nhân đang nổi lên mạnh mẽ ở Triều Tiên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.