Tự tạo cơ hội: Đổi đời nhờ cà phê chồn

01/08/2016 12:15 GMT+7

Từ một bác sĩ thú y, ông Vy Văn Thông (57 tuổi) và gia đình ngụ tại xã Phú Hội, H.Đức Trọng (Lâm Đồng) đã đổi đời nhờ sản xuất cà phê chồn.

Từ ly cà phê 800.000 đồng
Câu chuyện về việc sản xuất cà phê chồn của gia đình ông Thông khá bất ngờ. Bắt đầu từ gợi ý của cô con gái Vy Thị Mai Anh sau chuyến công tác tới Đài Loan. Tại Đài Loan, Mai Anh được giới thiệu cà phê chồn hảo hạng, cô dùng thử nhưng phải trả 800.000 đồng/ ly. Vậy là cô gái trẻ về nhà gợi ý cho bố mẹ: “Nhà mình có trang trại cà phê, bố cũng biết nuôi chồn vậy sao mình không làm cà phê chồn hương để tăng giá trị thương mại?”.
Từ đó ông Thông cùng vợ là bà Vũ Thị Oanh bắt đầu tìm hiểu phương pháp sản xuất cà phê chồn. Mùa cà phê chín, ông Thông chọn những trái chín đỏ nhất đem về cho chồn ăn, nhưng cứ 10 kg thì bầy chồn 20 con chỉ ăn được khoảng 1 kg. Nghĩ do trái cà phê chưa đủ độ chín, vợ chồng ông Thông đổi những mẻ nguyên liệu mới nhưng kết quả không khá hơn.
Để tìm hiểu nguyên nhân, ông vào vườn cà phê của gia đình “mật phục” và phát hiện chồn không ăn tất cả những trái cà phê chín đỏ trong vườn mà chúng chỉ lựa trên một vài cây. Ông Thông lấy một vài trái mà chồn bỏ sót lại nếm thử thì thấy vị ngọt hơn hẳn những trái ở cây khác. Sau đó ông lấy mẫu trái cà phê mang về TP.HCM nhờ phân chất thấy rõ cà phê chồn ưa thích có độ ngọt cao hơn. Song song đó, ông lấy mẫu đất dưới các gốc cà phê mang lên Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt nhờ phân tích, để biết muốn có trái cà phê chồn ưa thích cần những chất gì mà bổ sung vi lượng. Cũng từ đó vườn cà phê nguyên liệu của gia đình ông không bị chồn “chê” nữa, hái về bao nhiêu chồn ăn sạch hết bấy nhiêu.
Đến cà phê chồn xuất ngoại
Hiện nay, khu nuôi nhốt chồn của gia đình ông Thông có hơn 100 con và đang được tiếp tục nhân giống trong khoảng thời gian chưa vào mùa thu thu hoạch cà phê. Đến vụ mùa thu hoạch từ tháng 7 đến hết tháng 12, cà phê hái về được rửa sạch, để ráo nước mới cho chồn ăn. Mỗi con chồn có thể ăn 0,5 kg cà phê tươi, sau đó chúng sẽ thải ra nhân cà phê. Lúc này nhân công bắt đầu thu gom, rửa sạch và đưa vào ủ mát. Sau 24 giờ được rửa sạch và phơi cho khô (nếu trời thiếu nắng phải sấy) trước khi chuyển về cơ sở để tách vỏ xô và rang xay thành phẩm. Ông Thông cho biết: “Nếu cho chồn ăn quá nhiều cà phê cũng không tốt, do hạt cà phê chưa thấm được chất enzym trong dạ dày chồn. Đây là mấu chốt để cho ra sản phẩm cà phê chồn thượng hạng”.
Để có nguồn nguyên liệu cho chồn ăn, toàn bộ trang trại rộng hơn 3 ha nằm trong vùng đất màu mỡ của xã Phú Hội được trồng duy nhất giống cà phê Moka (1 trong 2 loại của dòng cà phê Arabica, còn gọi là cà phê chè), mỗi năm cho thu hoạch hàng chục tấn. Tuy nhiên, lượng cà phê chồn thu được chỉ 350 kg nguyên liệu thô. “Chúng tôi chọn những cây cà phê cho độ đường cao và không ép chồn ăn nhiều nên sản lượng cũng rất hạn chế. Số cà phê còn lại chúng tôi làm sản phẩm cà phê sạch đạt tiêu chuẩn VietGap, bán lại cho các đối tác có nhu cầu”, bà Vũ Thị Oanh chia sẻ. Hiện nay giá bán trung bình của các sản phẩm cà phê chồn vào khoảng 500 - 600 USD/kg, hoặc 200.000 đồng/hộp đóng gói sẵn (gồm 5 ly cà phê phin túi lọc).
Ngoài việc cung cấp cho thị trường trong nước, ông Thông còn đưa sản phẩm xuất khẩu sang Đài Loan, Campuchia, Trung Quốc, và sắp tới là Nhật Bản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.