Tự tạo cơ hội: Trồng rừng trên 'đất khó'

28/07/2016 07:14 GMT+7

Một bác sĩ ở tỉnh Quảng Bình, ngoài giờ làm việc đã từng bước cải tạo đất, trồng rừng và thành công với mô hình rừng kinh tế trên đất khó khăn, cằn cỗi.

Ban đầu gặp bác sĩ Đinh Hồng Tiến, Trưởng trạm y tế xã Hóa Sơn (H.Minh Hóa, Quảng Bình), chúng tôi chỉ nghĩ anh là người đam mê, tận tình với công việc và luôn quan tâm chăm sóc bệnh nhân chu đáo mà thôi. Thế nhưng khi anh hé lộ đang sở hữu một diện tích rừng kinh tế không nhỏ, khiến chúng tôi tò mò. Sau giờ làm việc, anh đưa chúng tôi vào thăm "đại bản doanh" rừng của mình. Cuốc bộ trên con đường gồ ghề gần 30 phút, cánh rừng cao su và keo xanh tốt bạt ngàn hiện ra trước mắt.


Là bác sĩ và trưởng trạm y tế nơi mình sinh ra, anh Tiến quá thấm sự vất vả, khó khăn, thiếu thốn của người dân trong xã. Vì vậy, anh luôn cố gắng cùng nhân viên chăm sóc, giúp đỡ người dân, đưa Trạm y tế xã Hóa Sơn luôn được xếp loại xuất sắc và đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020. Các chương trình mục tiêu quốc gia như: phòng chống sốt rét, tiêm chủng mở rộng, phòng chống lao, kế hoạch hóa gia đình luôn thực hiện đầy đủ và hiệu quả.

Anh Tiến tâm sự: “Minh Hóa là huyện nghèo của tỉnh thì Hóa Sơn là địa bàn vùng sâu vùng xa, khó khăn trắc trở của huyện. Trước cơ cảnh chung như thế, mình luôn trăn trở suy nghĩ, tìm hướng đi riêng, tự tạo cơ hội để thoát nghèo cho mình và gia đình. Thế nên mình ngày đêm cật lực làm việc, hết giờ làm ở trạm và không có bệnh nhân là lại lao vào rừng, bao nhiêu tiền tích cóp cộng với vay mượn thêm dồn cả vào rừng”.
Hiện rừng của anh có tổng diện tích đến 18 ha, với 1.000 cây cao su 6 năm tuổi, trên 100.000 cây keo, trong đó 35.000 cây đã đến kỳ thu hoạch. Năm 2015, anh cắt một ít diện tích keo bán được hơn 100 triệu đồng để lấy tiền trang trải cho gia đình, số còn lại tiếp tục chăm cho cây lớn hơn mới thu hoạch. Anh còn chịu khó trồng xen canh cây sắn cao sản trên diện tích rừng, trong 5 năm thu được 70 tấn sắn, trừ chi phí giống và trả công cho người lao động, gia đình anh thu về trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, trên diện tích trồng cao su, anh trồng thêm hàng trăm cây cà phê, hiện cây đã hơn một năm tuổi.
Câu chuyện trồng rừng bắt đầu từ những ngày đi học ngành y, anh Tiến tranh thủ ngày nghỉ đến các trang trại của người dân quanh vùng tìm hiểu cách làm ăn của họ và mua sách báo hướng dẫn các mô hình kinh tế để học hỏi, nghiên cứu. Khi về làm tại Trạm y tế xã Hóa Sơn, anh luôn trăn trở làm gì để gia đình thoát nghèo ở vùng sơn địa. Đúng lúc huyện tạo cơ chế, đưa đề án trồng rừng kinh tế để xóa đói giảm nghèo, khuyến khích nhân dân khai thác đất trống đồi trọc để trồng rừng, anh Tiến bắt đầu thực hiện trăn trở bấy lâu nay của mình.
Bước đầu, anh huy động nhân lực trong gia đình gồm vợ, con đồng thời thuê thêm lao động tại địa phương để cải tạo đất, đào hố và trồng cây. Nhờ tìm hiểu rất kỹ những kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng trồng, nhất là kỹ thuật trồng cao su, nên tỷ lệ cây bị chết rất ít. Sau đó, anh thường xuyên thuê nhân công làm cỏ, tỉa cành, bón phân theo đúng quy trình nên vườn cây lúc nào cũng đẹp mắt, phát triển tốt. Ước tính rừng của gia đình anh hiện có giá trị hàng tỉ đồng, một thành quả không hề nhỏ ở vùng sâu như thế.
Nhận xét về anh Tiến, ông Đinh Minh Cứ, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Hóa Sơn, nói: “Tôi rất khâm phục quyết tâm và cách làm của anh Tiến. Anh biết sắp xếp công việc để vừa hoàn thành vai trò bác sĩ vừa làm kinh tế giỏi. Chúng tôi coi anh là một điển hình ở địa phương và trong các phong trào”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.