Tự tạo cơ hội: Trồng xoài đặc sản trái vụ

04/08/2016 07:16 GMT+7

Trồng xoài cát Hòa Lộc trên vùng cát trắng cằn cỗi, ông Nguyễn Ngọc ở tỉnh Bình Định đã thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trước kia, gia đình ông Nguyễn Ngọc (62 tuổi, ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh, H.Phù Cát, Bình Định) làm ruộng nên chỉ đủ ăn, chi tiêu trong gia đình luôn gặp khó khăn. Năm 1998, một nông trường lớn ở địa phương giải thể, UBND xã Cát Hanh kêu gọi, khuyến khích người dân thuê đất do nông trường trả lại để làm vườn, trồng cây ăn quả.
Tuy nhiên, do đất đai ở khu vực này toàn cát trắng, cằn cỗi, khó có nước tưới nên không mấy nông dân ở địa phương dám thuê. “Lúc đó, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn nên ước mơ làm giàu luôn thôi thúc, ám ảnh tôi. Nhưng mình không có vốn, không có đất thì đành chịu, chỉ biết làm thuê thôi. Khi nghe chính quyền cho thuê đất, dù biết rất khó để trồng trọt nhưng tôi vẫn liều. Chính quyền đồng ý cho thuê 4 ha, tôi bắt tay vào làm trang trại ngay”, ông Ngọc kể. Rồi ông quyết định mua 300 cây xoài giống cát Hòa Lộc về trồng.
Dù trồng ở vùng đất cằn cỗi nhưng nhờ cần cù chăm bón, tưới nước nên vườn xoài của ông Ngọc phát triển khá nhanh, vài năm sau đã cho quả. Từ đó, gia đình ông đã thoát khỏi khó khăn, trở thành hộ có thu nhập khá tại địa phương.
Nhận thấy giống xoài này đem lại hiệu quả kinh tế cao nên ông Ngọc tiếp tục trồng thêm 450 cây vào năm 2005. Nhiều trang trại khác ở xã Cát Hanh cũng bắt đầu chuyển dần sang trồng xoài cát Hòa Lộc. Theo ông Ngọc, do đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng ở Bình Định khác với các tỉnh miền Nam nên vụ xoài Hòa Lộc muộn hơn từ 1 - 2 tháng. Nhờ vậy, việc tiêu thụ rất thuận lợi, dễ bán được giá cao hơn. Đây cũng là giống cây ăn quả đang được UBND xã Cát Hanh khuyến khích nông dân phát triển và sẵn sàng tư vấn kỹ thuật trồng, cung cấp cây giống...
Năm 2015, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải nam Trung bộ (ở Bình Định) triển khai thí điểm công nghệ tưới tiết kiệm mini pan (chảo bốc thoát hơi nước loại nhỏ) tại trang trại xoài của ông Ngọc.
Mô hình này đã giúp ông tiết kiệm được nước tưới và xoài cho trái to hơn, năng suất tăng khoảng 30%. Cũng trong năm này, xoài trái từ trang trại của ông Ngọc được cơ quan chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Nhiều trang trại trồng xoài ở H.Phù Cát cũng áp dụng quy trình trồng xoài theo mô hình này. Theo ông Ngọc, trồng theo mô hình VietGAP tức là xoài sạch, phải tuân theo quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, rất tốn công. Nhưng khi thu hoạch thì giá bán xoài VietGAP ở H.Phù Cát cao hơn giá xoài bình thường không đáng kể, thậm chí thương lái mua 2 loại xoài này với giá như nhau.
Thấy không có lợi nên nhiều nông dân trồng xoài không theo mô hình VietGAP nữa. Nhưng ông Ngọc lại nghĩ khác, ông cho rằng nếu trồng xoài theo mô hình VietGAP thì dễ có mối tiêu thụ ổn định, lâu dài hơn. “Nhưng điều lo lắng nhất của tôi là đầu ra, phụ thuộc vào thương lái thì khó mà ổn định được, thậm chí có ngày không bán được xoài. Phải có nơi bao tiêu sản phẩm lâu dài thì mình mới yên tâm. Tôi đang tìm kiếm, nếu có đầu mối tiêu thụ ổn định với số lượng lớn, tôi sẽ rủ thêm vài chủ trang trại nữa tham gia trồng theo mô hình VietGAP để cung cấp cho họ”, ông Ngọc chia sẻ.
Hiện bình quân mỗi năm trang trại xoài cát Hòa Lộc của gia đình ông Ngọc cho khoảng 30 - 40 tấn quả. Khoảng 3 năm trở lại đây, gia đình ông thu được từ 400 - 500 triệu đồng/năm từ tiền bán xoài. “Xoài cát Hòa Lộc trồng ở Bình Định thơm ngon lại trái vụ nên được ưa chuộng trên thị trường. Mỗi khi vào mùa thu hoạch xoài, thương lái từ TP.Quy Nhơn, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... đến tận trang trại của tôi để thu mua”, ông Ngọc cho biết và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng xoài qua điện thoại: 0983177145.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.