Uber bán 15% cổ phần cho SoftBank

29/12/2017 16:33 GMT+7

SoftBank, tập đoàn viễn thông lớn thứ hai Nhật Bản, hôm 28.12 xác nhận đã đạt được thỏa thuận sở hữu 15% cổ phần của Uber sau nhiều lần thương thảo.

Phần lớn số cổ phần nói trên là từ các cổ đông hiện tại của Uber, bao gồm cả nhân viên và các nhà đầu tư trước đó. Giao dịch tổng thể dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 1.2018.
Theo thỏa thuận, hãng chia sẻ xe có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) sẽ nhận được số tiền đầu tư khoảng 1 tỉ USD. Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận với vấn đề cho rằng với mức giá mua “rẻ bèo” của ông trùm đầu tư Nhật Bản thì giá trị của Uber chỉ được định giá ở mức 48 tỉ USD, giảm 30% so với giá trị 68 tỉ USD từ tháng 6.2016.
Được biết, ngoài khoản đầu tư mới, Uber cũng sẽ được nhóm các nhà đầu tư tổ chức bao gồm Gragoneer Investment, TPG, Tencent, SoftBank và Sequoia Capital rót vốn khoảng 1,25 tỉ USD với mức định giá ban đầu 68 tỉ USD.
“Chúng tôi mong muốn giao dịch này sẽ giúp công ty trong việc phát triển công nghệ, thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường quản trị doanh nghiệp”, Uber nói trong một tuyên bố.
Rajeev Misra, Tổng giám đốc của SoftBank Investment Advisers, cho biết SoftBank “đánh giá cao sự hỗ trợ của các cổ đông Uber trong việc thúc đẩy thương vụ thành công”. Đạt được thỏa thuận này cũng đồng nghĩa với việc SoftBank sẽ trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của Uber và có hai ghế trong hội đồng quản trị.
Về phía Uber, việc bán cổ phần cho SoftBank sẽ cho phép công ty tiến gần đến mục tiêu IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) vào năm 2019. Nó cũng mở đường cho cuộc cải tổ lớn của công ty sau một năm đầy biến động, mở rộng hội đồng quản trị lên 17 người và hủy bỏ quyền biểu quyết ưu tiên đối với những nhà đầu tư sớm. Benchmark, nhà đầu tư mạo hiểm lớn nhất của Uber, cũng sẽ ngừng vụ kiện chống lại cựu CEO Travis Kalanick.
SoftBank lần đầu tiên công khai bày tỏ sự quan tâm về việc đầu tư vào Uber trong mùa hè năm nay khi hãng này vẫn đang tìm kiếm người thay thế ông Kalanick. Ngoài Uber, SoftBank còn bơm hàng tỉ USD vào các công ty chia sẻ xe khác, bao gồm Didi Chuxing ở Trung Quốc, Grab ở Đông Nam Á, Ola ở Ấn Độ và 99 ở Brazil.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.