Vì sao Mỹ 'bất lực' trước Nga ở thị trường khí đốt châu Âu?

05/07/2017 09:55 GMT+7

Mỹ có thể bắt đầu cuộc chiến năng lượng với Nga tại thị trường châu Âu, nhưng sẽ khó có thể giành chiến thắng.

Nhà quan sát chính trị Vladimir Ardaev trong một bài phân tích cho Sputnik đã chỉ ra rằng, Washington đang tạo ra một “cuộc chiến năng lượng” mới tại châu Âu, với thị trường khí thiên nhiên là chiến trường và Moscow là đối thủ.
Kể từ khi bắt đầu xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào đầu năm 2016, Mỹ đã nhận thức được sức mạnh hiển nhiên của khí đốt tự nhiên và có những kế hoạch đầy tham vọng, với mong muốn chiếm được 10% thị trường khí đốt châu Âu, tương đương khoảng 45 tỉ mét khối/năm.
Tuy nhiên, một năm rưỡi đã trôi qua và mặc cho các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các công ty năng lượng của Nga được đưa ra, kết quả mà nền kinh tế lớn nhất thế giới thu về vẫn chỉ ở mức khiêm tốn. Theo Báo cáo thống kê về Năng lượng Thế giới của BP, trong 4,4 tỉ mét khối LNG được Mỹ xuất khẩu đi toàn cầu trong năm qua, chỉ có 0,5 tỉ mét khối đến được thị trường châu Âu.
Dưới đây là những lý do kiềm chế sự lên ngôi của Mỹ tại thị trường khí đốt châu Âu, theo tổng hợp từ Sputnik.

tin liên quan

10 công ty dầu khí lớn nhất thế giới
Dầu khí là ngành công nghiệp có thể thu về lợi nhuận khổng lồ, đặc biệt khi nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu này tại các quốc gia toàn cầu vẫn không ngừng tăng lên.
Chi phí vận chuyển cao
LNG có một số đặc điểm tự nhiên nổi bật để việc vận chuyển bằng đường tàu biển dễ dàng hơn so với khi được bơm qua đường ống. Thứ nhất, LNG không dễ cháy, nên vận chuyển LNG đòi hỏi kỹ thuật ít nguy hiểm hơn. Thứ hai, vận tải đường biển khá linh hoạt. “Bất cứ khi nào một chiếc tàu cũng có thể chuyển hướng để đến một địa điểm mới để đáp ứng nhu cầu trực tiếp cho người tiêu dùng”. Và Mỹ đã nhiều lần tận dụng các ưu điểm này để cung cấp khí đốt không chỉ cho Mỹ Latin, Trung Quốc mà gần đây nhất là cho cả châu Âu.
Tuy nhiên, đường ống dẫn khí lại có lợi thế riêng có thể dễ dàng “lấy lòng” được người tiêu dùng, đó là giá cả. Sự kết nối chặt chẽ giữa các nhà cung cấp và người tiêu dùng, tuy không linh hoạt, nhưng lại có thể “loại bỏ những khoản chi phí chịu thêm không cần thiết cho cả hai bên”, nhờ đó giúp giảm giá khí đốt về lâu dài cho người dùng cuối. Nói cách khác, nếu châu Âu từ chối LNG của Nga để mua khí đốt từ Mỹ, họ sẽ không còn lựa chọn nào hơn ngoài việc phải tăng giá bán ra cho người tiêu dùng để bù trừ cho chi phí vận chuyển cao từ quốc gia Bắc Mỹ.
Cuộc chiến bất cân bằng
Ông Sergei Pravosudov, Giám đốc Viện Năng lượng Quốc gia Nga, nhấn mạnh rằng bất kỳ sự thương lượng nào về “cuộc chiến khí đốt” tại thị trường châu Âu giữa Nga và Mỹ đều hoàn toàn không có ý nghĩa. Vì một lý do đơn giản rằng, khí đốt của Mỹ sẽ không bao giờ có thể được coi là giải pháp thay thế bền vững cho việc cung cấp bằng đường ống của Nga trong tất cả các tình huống có thể lường trước được. Hơn nữa, trong bối cảnh giá cả năng lượng trên thị trường thế giới hiện nay, có thể thấy rằng Mỹ đã chịu lỗ khi bán LNG cho châu Âu, và nỗ lực của họ được thúc đẩy bởi yếu tố chính trị nhiều hơn là kinh tế. Trong khi đó, Moscow liên kết với châu Âu không chỉ nhờ mạng lưới đường ống của mình, mà còn từ chuỗi các hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn với giá trị gần 140 tỉ USD.
Ông Pravosudov cũng giải thích thêm, bất kỳ nỗ lực can thiệp nào của Mỹ vào thị trường khí đốt châu Âu chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến ví tiền của người tiêu dùng Mỹ và buộc các nhà sản xuất phải giảm sản lượng. “Một tình huống tương tự xảy ra gần đây là ở Úc, nơi mà sự gia tăng xuất khẩu khí đốt đã dẫn đến một tình huống là giá khí đốt trong nước của Úc tăng lên còn cao hơn cả giá mà nước này bán ra cho Nhật Bản. Do đó, các nhà chức trách đã buộc phải ra quyết định giảm xuất khẩu”, ông Pravosudov lưu ý.
Nhân tố Trump
Dmitri Abzalov, Giám đốc Trung tâm Truyền thông chiến lược Nga, tin rằng sự phản đối từ các quan chức của Berlin và Vienna trong việc chống lại dự luật trừng phạt mới của các nhà lập pháp tại Nhà Trắng có thể là dấu hiệu cho thấy sự thống trị kinh tế của Mỹ trên toàn thế giới đang dần mất đi sức nặng. Đặc biệt trong thời gian gần đây, Tổng thống Donald Trump đã liên tục bác bỏ sự tham gia của Washington vào các liên minh kinh tế, thương mại và chính trị toàn cầu, bao gồm việc rút khỏi Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, đàm phán lại các điều khoản về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cũng như trì hoãn các cuộc thương lượng với châu Âu về Hiệp định Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).
“Với các chính quyền tiền nhiệm, những cuộc thảo luận với châu Âu luôn đi kèm với một số giải pháp kinh tế dưới hình thức đề xuất hợp tác, dỡ bỏ các hạn chế cạnh tranh, mở ra cơ hội tại các thị trường mới… Nhưng hiện nay, Mỹ không còn đưa ra các giải pháp thay thế như vậy. Thay vào đó họ siết chặt hàng hóa nước ngoài tại thị trường nội địa, trong khi nhu cầu của họ tại thị trường châu Âu vẫn giữ nguyên, và điều này không phù hợp với lợi ích của người châu Âu. Do đó, cơ hội Mỹ thay thế vị trí của Nga tại thị trường khí đốt châu Âu dường như mỏng manh đến mức không tồn tại”, ông Abzalov nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.