Báo cáo thẩm tra về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017, triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 do ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội đọc tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14.5, cho thấy những tín hiệu thiếu tích cực.
Theo Ủy ban Tài chính ngân sách, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017 còn chậm hơn năm 2016. Chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước giải ngân chỉ đạt 86,3% dự toán, thấp hơn so với năm 2016 (91,1%). Trong khi vốn trái phiếu Chính phủ chỉ giải ngân được 41,2% (năm 2016 là 67,4%).
Ngoài ra, kết quả giám sát thực tế nhiều nguồn vốn cho thấy, tình hình phân bổ vốn chưa hết, giao vốn nhưng không có nhiệm vụ chi phải thu hồi; kết dư còn lớn, đặc biệt là nguồn thu từ xổ số kiến thiết; chi chuyển nguồn còn khá lớn, bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Quy trình, thời gian thẩm định lại nguồn vốn còn khá phức tạp. Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền địa phương sát sao trong công tác triển khai, thực hiện vốn đầu tư phát triển, đồng thời, nghiên cứu, xây dựng phương án sửa đổi luật Đầu tư công trên cơ sở tham khảo ý kiến từ các bộ, ngành và địa phương để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Đặc biệt, theo báo cáo ở một số địa phương được sử dụng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, đã hoàn thành dự án hoặc đang thực hiện dở dang, mặc dù đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư thông báo vốn nhưng nguồn vốn tín dụng đầu tư nhà nước năm 2016 và 2017 không được bố trí, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp tục triển khai các dự án. Nợ xây dựng cơ bản phát sinh sau 31.12.2014 còn khá phổ biến, trong đó có cả nợ đọng của các dự án do ngân sách T.Ư hỗ trợ 100% cho địa phương chưa có nguồn thanh toán.
Về chi và cân đối ngân sách nhà nước năm 2018, qua giám sát Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách nêu rõ, vẫn còn một lượng vốn đầu tư, vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017 chưa phân bổ, chưa được điều chỉnh và vốn sự nghiệp phải chuyển nguồn sang năm 2018 là khá lớn, giảm hiệu quả sử dụng vốn. Trong đó, tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 4 tháng năm 2018 khá chậm. Riêng vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, cuối tháng 4 mới có 44/53 địa phương báo cáo phân bổ kế hoạch.
Như vậy, sẽ tạo ra áp lực khá lớn trong giải ngân theo kế hoạch đề ra. “Do vậy, Chính phủ cần sớm có biện pháp, chế tài mạnh hơn, xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển”, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị.
Bình luận (0)