10 tháng, lượng gạo xuất khẩu của VN giảm, nhưng thống kê đến hết tháng 11 lại bất ngờ tăng 3,6% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu gạo tăng nhưng giá liên tục giảm - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Bộ NN-PTNT vừa công bố báo cáo ngành 11 tháng năm 2015, trong đó xuất khẩu gạo đạt 6,24 triệu tấn, giá trị 2,65 tỉ USD, tăng 3,6% về khối lượng và giảm 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá gạo xuất khẩu bình quân (10 tháng) đạt 426,04 USD/tấn, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Lượng tăng mạnh
Chỉ tính riêng tháng 11, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 885.000 tấn với giá trị đạt 372 triệu USD. Tháng 10, khối lượng gạo xuất khẩu cũng đạt trên 800.000 tấn. Lượng gạo xuất khẩu trong 2 tháng này tăng mạnh gần gấp đôi so với các tháng trước đó, cụ thể như tháng 9 chỉ đạt 428.000 tấn.
|
Đây được xem là một yếu tố bất ngờ trong câu chuyện xuất khẩu gạo, vốn trầm lắng gần suốt cả năm nay. Báo cáo của Bộ NN-PTNT lý giải là do diễn biến thị trường bắt đầu thay đổi theo hướng có lợi từ tháng 10, khi VN ký hợp đồng xuất khẩu với Philippines 450.000 tấn và Indonesia 1 triệu tấn, thời hạn hợp đồng kéo dài từ tháng 10.2015 - 3.2016. Hai hợp đồng này đã góp phần đẩy khối lượng xuất khẩu gạo tháng 10 và 11 tăng mạnh. Cũng dựa trên cơ sở này, Bộ NN-PTNT dự báo khối lượng gạo xuất khẩu cả năm dự kiến đạt 6,8 triệu tấn, trong khi dự báo này ở cuối tháng 9 chỉ là 6,02 triệu tấn.
Cũng theo Bộ NN-PTNT, việc xuất khẩu tăng đã giúp giá lúa tại ĐBSCL tăng lên từng ngày trong tuần đầu tháng 11. Cụ thể, tại An Giang lúa IR50404 tăng tới 400 đồng/kg, từ 4.500 lên 4.900 đồng/kg; OM2514, OM1490 tăng từ 4.600 lên 5.000 đồng/kg (lúa tươi); lúa thơm jasmine tăng từ 5.700 lên 5.800 đồng/kg (lúa khô). Tại Bạc Liêu, giá lúa tăng 5.600 lên 5.800 đồng/kg (lúa khô). Tại Kiên Giang, lúa tẻ thường tăng từ 5.600 lên 5.900 đồng/kg; lúa dài tăng từ 5.800 lên 6.000 đồng/kg.
Về thị trường xuất khẩu cũng có một số bất ngờ, như thị trường Nga có sự tăng trưởng đột biến, gấp 2,02 lần về khối lượng và tăng 79,05% về giá trị. Các thị trường khác như Gana, Bờ Biển Ngà, Indonesia đều có sự tăng trưởng mạnh về lượng từ 21 - 46%. Đáng chú ý là thị trường Malaysia đã vươn lên vị trí thứ 3 (8,7% thị phần) về xuất khẩu gạo của VN, chỉ sau Philippines và Trung Quốc (gần 35% thị phần). Trong khi đó, các thị trường cao cấp như Singapore giảm 37% về khối lượng và giảm 35% về giá trị, Hồng Kông giảm 30% về khối lượng và giảm 37% về giá trị, Hoa Kỳ giảm gần 33% về khối lượng và giảm 26% về giá trị.
Giá giảm sâu
Lượng gạo xuất khẩu tăng, nhưng đáng buồn là giá gạo xuất khẩu của VN lại theo chiều ngược lại. Trong năm nay, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đã 2 lần điều chỉnh giá sàn gạo xuất khẩu, nhưng đều theo xu hướng giảm. Cụ thể, lần đầu vào cuối tháng 5 (có hiệu lực từ 1.6), với mức giá xuất khẩu tối thiểu gạo trắng 25% tấm là 350 USD/tấn/FOB cảng VN, đóng bao 50 kg. Nếu so với lần điều chỉnh liền kề trước đó (tháng 7.2014) thì giá sàn gạo xuất khẩu của VN giảm đến 60 USD/tấn. Sau lần điều chỉnh này, VN trúng thầu cung cấp 150.000 tấn gạo cho Philippines trong phiên mở thầu hôm 5.6 và tiếp tục trúng thầu cung cấp 450.000 tấn gạo cho nước này vào giữa tháng 9. Lần điều chỉnh giá thứ hai trong năm nay là vào 22.9 (25.9 có hiệu lực), giá sàn của cùng mặt hàng trên tiếp tục giảm thêm 10 USD/tấn và vào những ngày đầu tháng 10, VN ký được hợp đồng xuất khẩu 1 triệu tấn cho Indonesia.
Như vậy, sau 2 lần điều chỉnh, giá sàn gạo xuất khẩu của VN đã giảm đến 70 USD/tấn. Trước đó, vào năm 2013 - năm xuất khẩu gạo cũng gặp rất nhiều khó khăn, giá gạo vẫn còn ở mức 375 USD/tấn.
Doanh nghiệp kêu “hết lời”
Có doanh nghiệp cho rằng với 2 hợp đồng xuất khẩu gần đây sẽ giúp VN giải quyết lượng gạo trong kho, kéo giá lúa gạo ở thị trường nội địa tăng. Tuy nhiên, ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Cờ Đỏ, phân tích: “Đúng là thị trường lúa gạo năm nay khá trầm lắng. Nhưng các hợp đồng tập trung mà chúng ta đã ký giá quá thấp nên doanh nghiệp “làm cho có việc” chứ không có lời. Nếu doanh nghiệp nào không có nguồn hàng trước có thể còn lỗ. Giá xuất khẩu quá thấp thì giá lúa nội địa cũng không tăng được hoặc chỉ tăng nhất thời. Khi chúng ta ký các hợp đồng số lượng lớn với giá thấp và phải “chạy hàng” để cung cấp cho đối tác thì Thái Lan có thể được lợi về giá khi không còn đối thủ cạnh tranh”.
Còn ông Nguyễn Thành An, nông dân ở huyện Tri Tôn (An Giang), cho biết gần đây giá lúa gạo có tăng 300 - 400 đồng/kg nhưng nông dân cũng không có lời. Nguyên do, năm nay không có lũ nên chi phí làm đất, phân bón, bơm tưới cũng tăng, dẫn đến giá thành sản xuất lúa tăng 10 - 15% so với các vụ trước.
Bình luận (0)