Công tác quản lý mua bán cyanua cần được siết chặt trước thực trạng chất độc này dễ mua đến mức chỉ cần... một cuộc điện thoại.
Cyanua được sử dụng tràn lan tại các bãi vàng - Ảnh: C.T.V
|
Alô... bao nhiêu cũng có!
Từ năm 2013 đến nay, Công an H.Phú Ninh liên tục bắt giữ các vụ vận chuyển, buôn bán trái phép chất độc cyanua. Các tuyến đường lên bãi vàng ở thôn Bồng Miêu (Tam Lãnh) được chốt chặn, truy quét gắt gao những tưởng sẽ khiến tội phạm chùn tay. Nhưng mới đây, lực lượng công an bắt giữ một chuyến “hàng” cyanua có khối lượng đến... 400kg. Xâu chuỗi các vụ việc, đại úy Dương Văn Chương, Đội trưởng Đội CSĐT (Công an H.Phú Ninh) nhận định rằng, trong những vụ bị phát hiện thường công an chỉ bắt được những tên chuyên vận chuyển, đưa “hàng”. Còn truy tìm đầu mối và đầu nậu cung cấp cyanua rất khó khăn vì những đối tượng này chỉ “làm việc” qua điện thoại rồi thỏa thuận cách giao nhận, cách chuyển “hàng” mà thôi. Điển hình như vụ Huỳnh Thị Tú (26 tuổi, trú tại xã Tam Trà, H.Phú Ninh) bị bắt khi đang vận chuyển trái phép 25kg cyanua vào bán tại Tam Lãnh vào cuối tháng 10.2014. Tại cơ quan công an, Tú khai vận chuyển số chất độc bán cho một người đàn ông không rõ lai lịch qua điện thoại. Tiếp tục điều tra, công an đã bắt thêm Đỗ Thị Kim Cương (45 tuổi, trú tại H.Thăng Bình) đang tàng trữ trái phép 26kg cyanua. Tuy nhiên, nguồn gốc số cyanua (kể cả của Cương cung cấp cho Tú) từ đâu hiện vẫn đang được mở rộng điều tra. Trong nhiều vụ án khác, nhiều bị can bị bắt cũng khai nhận mua bán cyanua qua... alô nên không biết mặt mũi “nhà cung cấp”.
Thượng tá Nguyễn Văn Phong, Phó trưởng Công an H.Phú Ninh cho biết, để mua hàng hóa là chất độc cyanua, người mua phải đủ điều kiện thì công ty sản xuất hóa chất mới đáp ứng. Nhưng không hiểu sao chất độc cyanua lại được tuồn ra thị trường để bán, mua tràn lan, không ai quản lý được. “Những công ty hóa chất được cấp phép bán mặt hàng này chỉ bán cho những đơn vị có chức năng và cũng phải được Nhà nước cấp phép. Do vậy, ngành chức năng cần phải quản lý chặt chẽ hơn để cyanua không còn trôi nổi trên thị trường như hiện nay”, ông Phong kiến nghị. Vụ bắt giữ lô cyanua có khối lượng đến 400kg vừa qua cho thấy, công tác quản lý chất độc nảy sinh nhiều bất cập khi một nghi phạm có thể mua hàng với số lượng lớn như thế. Ông Phong cho biết thêm, nghi phạm trong vụ này đã đặt mua cyanua từ nhà máy rồi có người đưa ra. “Theo lời khai ban đầu của nghi can, vì làm ăn theo đường dây nên chỉ cần biết số điện thoại, liên hệ là có người mang hàng ra giao”, ông Phong nói.
Mức án chưa đủ răn đe?
Năm 2014, Công an H.Phú Ninh đã phát hiện 13 vụ mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất độc cyanua và vật liệu nổ. Qua đó, đã bắt giữ 19 nghi phạm, thu giữ hơn 400kg cyanua. Số vụ buôn bán chất độc bị phát hiện gia tăng, theo đó số vụ án được đưa ra xét xử tại H.Phú Ninh cũng khá nhiều. Theo TAND huyện này cung cấp, trong 2 năm trở lại đây đã xét xử 10 vụ án liên quan đến việc mua bán, vận chuyển trái phép, phạt tù đối với 13 bị cáo. Nhiều vụ án liên quan đến tội “sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc” theo Điều 238 Bộ luật hình sự được 3 ngành: công an, kiểm sát và tòa án địa phương quan tâm chọn làm án điểm, xét xử lưu động để răn đe chung. Dù vậy, số vụ án xét xử 2014 vẫn cao so với năm trước khiến dư luận đặt câu hỏi: phải chăng ngoài lợi nhuận quá lớn khiến người ta bất chấp thì mức án cho các bị cáo phạm tội vẫn chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Không những vậy, có nhiều vụ án mà nghi phạm nhận thức về việc buôn hàng cấm quá mù mờ. Chẳng hạn, như vụ Nguyễn Văn Tình (30 tuổi, trú tại xã Tam Thái, H.Phú Ninh) bị công an bắt giữ vào ngày 9.7.2014 vì vận chuyển 75kg cyanua. Trước khi vận chuyển, Tình đã nghi ngờ trong bao là chất độc nhưng vì được thuê với số tiền khá lớn nên Tình đã đánh liều. Tình khai nhận vì cần tiền để nuôi con nhỏ... Trong số những vụ án được xét xử liên quan đến tội danh đã nêu trong 2 năm qua, bị can bị phạt với mức án cao nhất là 4 năm tù giam như: Đoàn Văn Thành (trú tại H.Phú Ninh), Huỳnh Xuân Toàn (trú tại H.Quế Sơn)… khép vào khung hình phạt khoản 1 và chủ yếu theo điểm b, khoản 2. Chịu khung hình phạt thấp nhất là Đỗ Tiến Võ (27 tuổi, trú xã H.Núi Thành, Quảng Nam) với 1 năm tù giam vì hành vi vận chuyển trái phép 25kg cyanua. Luật đã quy định cụ thể cho từng trường hợp, thế nhưng với tội danh buôn bán chất kịch độc này, nhiều bị can vẫn bị phạt tù giam với thời hạn khá ngắn. Chính vì vậy, mà nhiều người ham lời, mù quáng, coi thường kỷ cương nên vẫn lao vào mua bán, vận chuyển cyanua...
Bình luận (0)