Kính James Webb phát hiện 6 thiên hà 'phá vỡ vũ trụ'

23/02/2023 14:41 GMT+7

Kính viễn vọng không gian James Webb đã phát hiện 6 thiên hà cổ xưa được mệnh danh là "kẻ phá vỡ vũ trụ" vì sự tồn tại của chúng có thể buộc loài người phải viết lại các lý thuyết về vũ trụ học.

Kính James Webb phát hiện 6 thiên hà 'phá vỡ vũ trụ' - Ảnh 1.

6 thiên hà khổng lồ mới được Kính viễn vọng không gian James Webb phát hiện

REUTERS

Theo The Guardian, các thiên hà trên xuất hiện từ thời vũ trụ có tuổi chỉ bằng 3% so với hiện tại. Những thiên hà này lớn hơn nhiều so với kích thước các thiên hà có thể đạt được ngay sau vụ nổ lớn. Nếu được xác nhận, những phát hiện này sẽ khiến các nhà khoa học phải đặt câu hỏi về cách các thiên hà sớm nhất hình thành.

Giáo sư trợ lý Joel Leja về thiên văn học và vật lý thiên văn tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) và đồng tác giả nghiên cứu cho biết các thiên hà trên rất lớn so với những gì họ mong đợi. "Chúng tôi nghĩ sẽ tìm thấy những thiên hà trẻ nhỏ bé. Nhưng trái lại, chúng tôi đã phát hiện ra các thiên hà trưởng thành như thiên hà của chúng ta trong thời điểm được xem là bình minh của vũ trụ", ông Leja nói.

Những hình ảnh này đến từ bộ dữ liệu đầu tiên do Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA đưa ra. Khi sàng lọc các hình ảnh, tiến sĩ Erica Nelson thuộc Đại học Colorado Boulder (Mỹ) và một đồng tác giả khác đã phát hiện ra các dấu chấm mờ màu đỏ bất thường.

Các thiên hà mới được tìm thấy dường như khoảng 13,5 tỉ năm tuổi, tức hình thành sau vụ nổ lớn khoảng 500-700 triệu năm.

Đây không phải là những thiên hà lâu đời nhất được James Webb tìm ra. Năm ngoái, các nhà khoa học đã phát hiện ra 4 thiên hà có có độ tuổi khoảng 350 triệu năm sau vụ nổ lớn. Tuy nhiên, những thiên hà đó có kích thước nhỏ hơn rất nhiều. Các tính toán cho thấy những thiên hà mới chứa hàng chục đến hàng trăm tỉ ngôi sao có kích thước tương tự mặt trời.

"Thật ngạc nhiên. Đáng lẽ nhưng thiên hà này không có đủ thời gian để hình thành", bà Nelson nói.

Để giải thích làm thế nào các thiên hà khổng lồ như vậy tồn tại ở thời điểm gần với bình minh của vũ trụ sẽ đòi hỏi các nhà khoa học phải xem xét lại một số quy tắc cơ bản của vũ trụ học.

"Chúng tôi đã tìm thấy một thứ bất ngờ. Phát hiện này đã tạo ra vấn đề cho giới khoa học", ông Leja nói.

NASA công bố hình ảnh thẳm sâu nhất từng ghi nhận được của vũ trụ do kính viễn vọng James Webb chụp

Các mô hình hiện tại cho thấy rằng sau thời gian mở rộng nhanh chóng, vũ trụ hạ nhiệt trong vài trăm triệu năm để các ngôi sao và thiên hà đầu tiên bắt đầu hình thành, khoảng thời gian được gọi là thời kỳ đen tối.

Tiến sĩ vật lý thiên văn Emma Chapman thuộc Đại học Nottingham (Anh), người không tham gia vào nghiên cứu, nhận định việc phát hiện ra các thiên hà khổng lồ ngay sau vụ nổ lớn cho thấy rằng thời kỳ đen tối có thể không quá tối và các ngôi sao đã hình thành khắp vũ trụ sớm hơn chúng ta nghĩ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.