Kinh nghiệm ‘sống còn’ từ bà mẹ trẻ giúp 6 người trong gia đình vượt qua Covid-19

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
14/08/2021 10:10 GMT+7

6 người trong gia đình đều bị nhiễm Covid-19 , đặc biệt là mẹ chị đã 80 tuổi. Là người khỏe nhất, chị Nguyễn Thanh Mai chăm sóc, vực dậy tinh thần và liên lạc với bác sĩ để giúp mọi người vượt qua Covid-19.

Bất ngờ khi cả nhà đều ‘hai vạch’

“Khi mọi sự đã xong, nhìn cả 6 que thử đều một vạch, mọi người đã vượt qua Covid-19 thì đêm mình lại mất ngủ. Lúc này mới có thời gian nghĩ tới bản thân và thấy sợ khi nghĩ lại hành trình 22 ngày qua”, chị Thanh Mai (36 tuổi, CEO Anh Minh Gift, Q.8) bắt đầu câu chuyện của mình.
Giữa tháng 7, hai đứa con của chị (11, 13 tuổi) lần lượt bị sốt, nhưng nhìn lũ trẻ vẫn chơi đùa ăn uống bình thường nên chị không hề nghĩ tới Covid-19. Hai ngày sau đó, thấy con vẫn tiếp tục sốt nên chồng chị ở nhà đã tự test thử, không ngờ hai vạch.
“Lúc đó, mình đang đi khảo sát ở quận 8 để làm ATM gạo, đến chiều đang chạy ngoài đường để lo mọi việc thì nhận được điện thoại của người nhà thông báo hai đứa nhỏ đã dương tính với Covid-19, mình thất thần, hoảng hốt. Mình không nghĩ tới bản thân mà lo cho mọi người trong gia đình khi mẹ đã 80 tuổi”, chị Mai chia sẻ.
Nhưng chị sau đó nhanh chóng lấy lại tinh thần, bàn giao hết mọi việc rồi vội vã chạy về nhà. Việc của chị đầu tiên là kiểm tra lại sức khỏe, tình trạng của con. Vào ngày thứ 6, lần lượt từng người trong gia đình từ mẹ, đến chồng, chị gái và bản thân chị đều dương tính. Mọi người người rất lo lắng và căng thẳng.
Đặc biệt, mẹ chị là người khá “tối cổ”, không chịu hợp tác. Bà bị sốt cao sau đó bỏ ăn, không chịu uống thuốc, súc miệng nước muối và mất tinh thần. Đến ngày thứ 6, bà bắt đầu bị sốt cao không hạ, thở mệt.
“Khi đo nồng độ oxy của mẹ còn 82-83 lòng mình rối bời. Gọi cho bác sĩ tư vấn xem có nên đi cấp cứu không mà khi nghe tiếng bác sĩ bên kia đầu dây mình nói không nên lời, nấc nghẹn. Trước tình hình của mẹ, mình quyết họp gia đình lại nói hết mặt ưu điểm mặt hạn chế, nói với mẹ tâm tư nguyện vọng và tình hình dịch bệnh hiện tại.
Mình nói rằng con đã làm hết tất cả những gì con có thể làm, từ máy móc thiết bị, bác sĩ thăm khám, thuốc men, đến việc lo đồ ăn thức uống… Những gì con có thể làm trong khả năng thì con đã làm hết rồi. Việc còn lại là ở mẹ. Mẹ phải khỏi và phải mạnh mẽ lên, vì con vì cháu mà vượt qua. Nếu tự bản thân mẹ không cố gắng để vượt qua thì không ai có thể giúp mẹ. Giờ lỡ mẹ chuyển biến nặng, phải nhập viện thì con cháu cũng không thể vào chăm sóc được”, chị Mai nói.

Là người khỏe nhất trong gia đình, chị Mai cố gắng bình tĩnh xử lý mọi tình huống, động viên mọi người 

NVCC

Đề kháng càng yếu càng dễ mắc Covid-19? | BÁC SĨ ƠI số 6

Tinh thần là mấu chốt quan trọng

Chồng chị sau đó cũng trở nặng, nằm li bì trong phòng riêng. Là người khỏe nhất, dù có lúc rất mệt mỏi nhưng chị Mai cố gắng không để bản thân bị đánh gục. Chị liên lạc với các bác sĩ chuyên khoa, cả đông y lẫn tây y. Trong khi bác sĩ đông y hỗ trợ các loại thuốc xông, cách pha nước uống, những bài tập thở đúng cách và xử lý các tình huống khi thở mệt… thì bác sĩ tây y tư vấn và lên đơn thuốc cho từng người.
“May mắn, từ bạn bè người quen mình liên hệ được với 4 bác sĩ chuyên khoa, đều có kinh nghiệm. Nhiệm vụ của mình là theo dõi tình trạng sức khỏe, nồng độ oxy của từng người trong gia đình sau đó báo cáo chi tiết với bác sĩ mỗi ngày.
Đặc biệt, khi mẹ và chồng trở nặng mình liên hệ bác sĩ liên tục, có khi nửa đêm còn nhắn tin, gọi điện nhờ tư vấn. Họ không chỉ tư vấn, hỗ trợ thuốc còn chỉ cách đo oxy trong máu sao cho đúng, chỉnh máy oxy sao cho phù hợp… Thật sự, mình rất biết ơn các bác sĩ đã hỗ trợ gia đình gần nửa tháng qua, nếu không có họ có lẽ gia đình mình khó lòng bình an mà vượt qua được Covid-19 như vậy”, chị Mai chia sẻ.
Một điểm mấu chốt quyết định đến việc sống còn của cả gia đình nữa, theo bà mẹ trẻ này chính là tinh thần tích cực của mỗi người. Những ngày đầu khi nhận tin bị Covid-19, hầu hết mọi người trong nhà đều hoang mang, mất tinh thần. Dù bản thân cũng rất lo lắng nhưng chị phải cố gắng lấy lại bình tĩnh để động viên, chia sẻ với mọi người.
Trong khi chị lo vấn đề sức khoẻ, liên lạc với bác sĩ thì chị gái đảm nhận việc nấu nướng, ăn uống cho mọi người. Mỗi bữa ăn, đều cố gắng có đầy đủ món và thay đổi thực đơn đa dạng mỗi ngày, ăn đầy đủ từ rau củ, thịt cá, trái cây, uống thêm nước ép, bổ sung vitamin… Có những lúc, mọi người đều mất vị giác, khứu giác dù ăn không ngon nhưng chị đều đặt ra chỉ tiêu để mỗi người đều hoàn thành phần ăn của mình với tinh thần “có thực mới vực được đạo”.
Đặc biệt, vì nhà khá rộng nên chị để cửa nhà thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày, đồng thời lên lịch vận động tập luyện phù hợp cho từng người, tránh tình trạng nằm li bì trong nhiều giờ liền.
Ngoài ra, trong thời gian cả nhà bị bệnh, chị Mai cũng “cấm cửa” việc mọi người tiếp cận những thông tin tiêu cực từ mạng xã hội. Tất cả chỉ việc sinh hoạt bình thường, ăn uống và nghỉ ngơi, vận động điều độ, đồng thời thực hiện chăm sóc sức khoẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nhờ vậy, dù mọi người đều phải trải qua hầu hết các triệu chứng của bệnh từ sốt, ho, mất khứu giác, vị giác… nhưng sau hơn 15 ngày lần lượt từng thành viên trong gia đình dần bình phục. Riêng chồng và mẹ chị đều trở nặng khi sốt cao liên tục, nồng độ oxy trong máu giảm, ho mạnh, có lúc khó thở… nhưng sau đó cũng chiến thắng được bệnh.
“Mới đây, mình vừa thực hiện test nhanh lại cho tất cả mọi người, nhìn 6 que thử đều một vạch mà vui muốn khóc. Đây đã là lần thứ 3 cho kết quả âm tính, xem như cả gia đình đều đã vượt qua được giai đoạn sóng gió.
Mình muốn nhắn nhủ với mọi người rằng: Nếu không may bị lây nhiễm, để vượt qua Covid-19 việc đầu tiên là phải bình tĩnh. Có bình tĩnh mới sáng suốt để xử lý được mọi tình huống, và tự bản thân mọi người phải cố gắng, đừng buông xuôi hay mất tinh thần. Việc phát hiện bệnh sớm cũng rất quan trọng, giúp chúng ta chủ động đối phó ngay từ đầu, không để bệnh chuyển tiến nặng”, chị Thanh Mai nhắn nhủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.