“Tượng đài” làng bơi lội Việt Nam – Nguyễn Thị Ánh Viên cho biết, việc bơi hoàn toàn không khó. Cô đã chia sẻ với Thanh Niên nhiều kinh nghiệm khi học bơi cũng như cách xử trí trong những tình huống khó.
Tại Việt Nam, nơi mà có rất nhiều những kênh mương, ao hồ, sông suối trải dài khắp đất nước thì việc bơi lội của người dân, đặc biệt là trẻ em ngày càng được quan tâm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được những kiến thức cơ bản để tự cứu lấy mình khi rơi vào thời khắc trượt chân xuống nước. Không chỉ bằng kinh nghiệm thi đấu bơi lội đỉnh cao trong nhiều năm, Ánh Viên còn đưa ra lời khuyên gần gũi nếu gặp phải sự cố trong đời sống thường nhật.
"Quan trọng nhất khi bơi là hơi thở của mình. Nếu mình lỡ bị trượt chân, đang hoảng sợ thì hãy cố gắng bình tĩnh lại. Mọi người chỉ cần cố gắng đưa mặt lên khỏi nước, lấy hơi và nín thở, bình tĩnh để lấy thăng bằng trên nước. Như vậy, cơ thể của mình sẽ được an toàn phần nào. Ở ngoài sông, nếu có lục bình thì bình tĩnh nắm rễ lục bình sẽ nổi được, vì hồi nhỏ em cũng từng làm vậy", Ánh Viên chia sẻ.
“Tiểu tiên cá” Ánh Viên chỉ cách xử trí khi gặp người đuối nước
Nữ kình ngư sinh năm 1996 cũng chia sẻ, khi bị đuối nước, khả năng tử vong rất cao hoặc có thể để lại di chứng tổn thương não nặng nề. Tuy nhiên nếu nạn nhân được sơ cứu kịp thời, tích cực và đúng phương pháp có khả năng được cứu sống. Vì vậy, việc xử trí cấp cứu đúng cách trong trường hợp này là rất quan trọng.
Ánh Viên nói: "Những người xung quanh trên bờ, khi gặp người đuối nước tuyệt đối không thể nhảy xuống để cứu. Người bị đuối nước sẽ rất hoảng loạn. Khi bấu víu vào người cứu sẽ dễ nhấn người cứu cùng chìm. Người trên bờ cũng hãy bình tĩnh tìm vật nổi để cứu vào. Nếu người cứu đã bơi giỏi, chỉ nên tiếp xúc ở phía sau mà không tiếp xúc trực diện, như vậy sẽ an toàn hơn".
Một câu khẩu hiệu mà Ánh Viên mong muốn có sức lan toả nhiều hơn giúp không chỉ các em nhỏ mà cả những người trưởng thành luôn ghi nhớ, để mỗi khi gặp sự cố liên quan đến đuối nước mọi người có thể tự cứu lấy mình và tránh gặp phải trường hợp thương tâm, đó là: "Bình tĩnh thì sống, hoảng loạn thì chìm".
Bình luận (0)