Lịch sử ở Madrid và London cho thấy hoạt động kinh doanh của thủ đô Brussels và ngành du lịch hoàn toàn có thể vượt qua vụ khủng bố vừa rồi.
Brussels dần quay lại với guồng máy hoạt động kinh doanh sau vụ khủng bố hôm 22.3 - Ảnh: Reuters |
Nước Bỉ vẫn còn đang đau buồn sau cuộc tấn công khủng bố chết người xảy ra hôm 22.3 ở thủ đô Brussels. Sân bay quốc tế chính của nước này vẫn đang đóng cửa, song liên kết giao thông tại thủ đô không chính thức của châu Âu đã hoạt động lại. Thành phố quay lại với guồng máy hoạt động kinh doanh của họ.
Theo CNN, lịch sử cho thấy nhiều nước đã từng phục hồi nhanh chóng sau các vụ tấn công, ngay cả khi du lịch và lữ hành có chiều hướng giảm trước mắt, kinh doanh và niềm tin tiêu dùng bị ảnh hưởng tạm thời. Francesca Peck, nhà kinh tế tại IHS Global Insight cho hay các hoạt động kinh tế thường khá bền vững trước các cuộc tấn công khủng bố.
Tây Ban Nha và Anh là hai ví dụ điển hình. Cuộc tấn công hồi tháng 3.2004 ở chuyến tàu tại thành phố Madrid làm chết 191 người và đây là đợt khủng bố đẫm máu nhất lịch sử Tây Ban Nha. Song sau đó, lượng khách du lịch đến Tây Ban Nha phục hồi về mức trước khi cuộc nổ bom xảy ra chỉ trong vài tuần, theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới.
Ở London, ngày 7.7.2005, vụ đánh bom khủng bố làm 52 người chết thậm chí còn tác động ít hơn đến du lịch nước này. “Trong trường hợp của London, không có tác động đáng kể nào lên lượng khách du lịch đến Anh”, Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới cho biết.
Theo nghiên cứu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, du lịch có xu hướng hồi phục sau một vụ tấn công khủng bố nhanh chóng hơn nhiều so với sau một thảm họa môi trường lớn. Thậm chí, ngành công nghiệp khách sạn cũng kiên cường hơn khi đứng trước đe dọa khủng bố những năm qua vì các công ty đã giới thiệu chiến lược truyền thông và kế hoạch thiên tai tốt hơn, theo phân tích của hãng Deloitte và STR Global.
Mức phòng khách sạn được thuê ở New York từng mất 34 tháng để phục hồi sau sự kiện ngày 11.9.2001, song hậu quả của cuộc tấn công ở Madrid và London thì không nghiêm trọng đến thế. Mức dùng phòng khách sạn ở thành phố Madrid hồi phục 12 tháng sau vụ nổ bom năm 2004, và London hồi phục sau 9 tháng. Người dân giờ đây có khuynh hướng “tiếp tục làm mọi việc như bình thường” sau các cuộc tấn công và đe dọa khủng bố.
Đơn cử, dữ liệu từ Liên Hiệp Quốc cho thấy dù thế giới đã trải qua một loạt vụ tấn công khủng bố vào năm 2015, du lịch quốc tế vẫn tăng 4% với 1,2 tỉ người đi du lịch trong năm ngoái. Ở Thái Lan, ngành du lịch tăng đến 19% trong năm qua dù có một vụ đánh bom ở thủ đô Bangkok làm chết 20 người.
CEO Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới David Scowsill cho hay các nước đã hành động nhanh chóng để thắt chặt an ninh, trấn an du khách sau các vụ tấn công. Du lịch lữ hành ở thủ đô Paris (Pháp) được cho là sẽ phục hồi từ các vụ tấn công khủng bố gây sốc làm 130 người thiệt mạng hồi tháng 11.2015. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới kỳ vọng du khách đến Paris sẽ trở lại bình thường trong vòng 6 tháng từ sau vụ tấn công trên.
Dù vậy, giới phân tích cũng lưu ý nếu chẳng may theo sau vụ tấn công vừa rồi ở Brussels là một làn sóng khủng bố châu Âu, tác động lên du lịch, tiêu dùng và chuyện làm ăn sẽ nghiêm trọng hơn.
Bình luận (0)