Kinh tế chờ tín dụng

02/02/2023 04:20 GMT+7

Trong khi doanh nghiệp sốt ruột, Thủ tướng ngay trong phiên họp đầu năm đã chỉ đạo phải cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế, nhưng đã qua đến tháng 2 mà chỉ tiêu tín dụng của năm nay vẫn chỉ nằm ở các dự báo từ phía các chuyên gia, chứ chưa có con số cụ thể.

Đói vốn, khát vốn, khó tiếp cận vốn vay… là vấn đề lớn nhất, bức thiết nhất của nền kinh tế từ quý cuối cùng của năm trước nhưng "bắc" qua quý 1 năm nay, vẫn chưa thấy Ngân hàng Nhà nước "động tĩnh" gì về room tín dụng. Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ông chủ của hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu VN sau rất nhiều nỗ lực cuối cùng cũng thừa nhận chuyện "nới room" thêm 1 - 2% chỉ mang tính tuyên bố, họ không thể tiếp cận được vốn. Năm 2022 đã lỡ, chỉ còn chờ đợi vào room tín dụng của năm 2023. Thế nhưng hết tháng 1 giờ tới tháng 2 vẫn chưa thấy gì. Trong khi báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết đã có tới gần 40% doanh nghiệp bất động sản phá sản, ngưng hoạt động vì khó khăn mà đói vốn là nguyên nhân lớn nhất. Nếu thống kê đầy đủ, con số thực tế còn lớn hơn.

Mà đâu chỉ có bất động sản, một loạt các lĩnh vực, ngành nghề khác cũng trong tình trạng tương tự. Ông chủ của một doanh nghiệp xây dựng hàng đầu VN vừa đối mặt với hàng trăm công nhân kéo đến trụ sở đòi tiền lương, tiền công cho biết, hơn 30 năm hoạt động, chưa bao giờ công ty ông rơi vào tình cảnh "bốn bề thọ địch" như hiện nay.

"Chủ đầu tư không thanh toán, chúng tôi không có tiền trả thầu phụ, thầu phụ không có tiền trả công, lương cho công nhân… dắt dây một loạt", vị chủ doanh nghiệp này chia sẻ. Từ sản xuất tới dịch vụ, phân phối, thương mại… chỗ nào cũng khó vốn.

Nhìn lại cả năm 2022 cho tới nay sẽ thấy chính sách tiền tệ luôn khẳng định điều hành linh hoạt nhưng thực tế hết sức chậm trễ. Chậm nới room khiến các doanh nghiệp kiệt sức, không có vốn để tận dụng cơ hội thị trường vào mùa cao điểm cuối năm 2022. Nên mới dẫn đến nghịch lý, doanh nghiệp đói vốn nhưng thống kê thì quota tín dụng sau đó chưa sài hết. Chậm công bố chỉ tiêu tín dụng năm 2023 nên nhiều nhà băng cũng lúng túng, hoặc vin vào đó để từ chối cho vay khiến rất nhiều doanh nghiệp chưa thể khởi động dù chờ đợi từ cuối năm trước.

Đáng nói là không có một lời giải thích nào cho tất cả sự chậm trễ này. Doanh nghiệp hỏi nhau, hỏi mối quan hệ này, mối quan hệ kia, cứ khấp khởi khi thấy chỉ đạo cung ứng vốn cho nền kinh tế để rồi lại thất vọng vì tiếp cận không được…

Chính sách tiền tệ luôn khẳng định linh hoạt nhưng từ khi lạm phát, tỷ giá là mối nguy cho tới khi các yếu tố này đã trở nên an toàn hơn, tạo dư địa để cởi mở hơn trong việc cung vốn cho nền kinh tế thì cách điều hành vẫn thận trọng như nhau. Vốn cho nền kinh tế, tất nhiên không chỉ từ các ngân hàng. Nhưng trong khi các kênh trái phiếu doanh nghiệp, kênh huy động qua thị trường chứng khoán không thể một sớm một chiều tháo nút thắt ngay được thì tín dụng là nguồn cấp cứu hiệu quả nhất cho sức khỏe đang suy kiệt của đa số các doanh nghiệp. Đó chính là sự linh hoạt trong điều hành chính sách, chứ không phải cứ "phân bì" để rồi cả thắt đều, khó đều.

Nhiều ngân hàng vừa công bố lợi nhuận năm 2022 lên tới hàng tỉ USD trong khi lãi suất cho vay đang ở mức cao và sức khỏe doanh nghiệp bị bào mòn. Thế nên, không chỉ nhanh chóng công bố chỉ tiêu tín dụng của năm nay, Ngân hàng Nhà nước nên tính toán các giải pháp để giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành sản xuất trọng yếu trong nền kinh tế.

Không thể để cả nền kinh tế chờ tín dụng kéo dài như thế này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.