Thông thường, sau mỗi dịp tết Nguyên đán, vấn đề được chính quyền, doanh nghiệp (DN) hết sức quan tâm là có hay không tình trạng thiếu hụt lao động hoặc nếu có, mức độ ra sao. Bởi lẽ, tình trạng "nhảy việc" sau tết, nhất là đối với công nhân, người lao động (NLĐ) có tay nghề, vẫn thường xảy ra và luôn gây hệ lụy nhất định. Như nguy cơ gián đoạn sản xuất kinh doanh, DN buộc gia tăng chi phí lao động để bù đắp khoảng trống nhân lực nhưng năng suất lại thấp vì nhân viên mới cần thời gian để đáp ứng công việc. Điều này kéo theo những lo ngại về cạnh tranh lao động, thu nhập và nghiễm nhiên ảnh hưởng đến hệ thống an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Đại dịch Covid-19 hai năm 2020, 2021 và đợt cắt giảm lao động ngành dệt may, giày da, chế biến gỗ… cuối năm 2022 càng làm gia tăng lo ngại về việc thiếu hụt NLĐ. Song, số liệu những ngày gần đây cho thấy tín hiệu đáng mừng.
Như tại TP.Hà Nội, thống kê của tổ chức công đoàn ngày 30.1 cho thấy có hơn 99% DN đã mở xưởng sản xuất với gần 98% công nhân, NLĐ quay lại làm việc. Tại Đồng Nai, có 1.308/1.587 DN (có tổ chức công đoàn) hoạt động lại và tỷ lệ lao động làm việc trở lại đạt gần 82%; riêng tại các khu công nghiệp, con số này càng cao hơn.
Đặc biệt, tại TP.HCM - thị trường lao động lớn nhất nước - tính đến nay tỷ lệ lao động trở lại làm việc sau tết đã đạt trên 95%. Một phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết lý do chủ quan là NLĐ muốn có công việc ổn định, tăng thu nhập sau mấy năm liên tục chịu những cú sốc lớn trong thị trường lao động. Còn khách quan là do hiệu quả các chính sách chăm lo tết của chính quyền địa phương và DN.
Nhớ lại quý 4/2022, khi hàng ngàn NLĐ bị mất việc, giảm thu nhập vì biến động kinh tế thế giới, các cơ quan, đơn vị chuyên môn đã tích cực kết nối, giới thiệu việc làm mới cho NLĐ, có thêm nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo. Tổng liên đoàn Lao động VN mới đây còn ban hành gói hỗ trợ từ 1 - 3 triệu đồng cho công đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng.
Ở góc độ DN, nhiều chủ sử dụng lao động đã tăng cường chính sách thù lao tài chính, đãi ngộ NLĐ như lì xì, tặng quà đầu năm, hỗ trợ tiền trọ, đưa đón, thưởng năng suất… hay các cam kết xây dựng môi trường làm việc an toàn, thân thiện hơn. Chính những điều này đã giúp NLĐ có thêm niềm tin, bỏ qua nỗi bất an về tương lai và an tâm làm việc, gắn bó với DN.
Dự báo thị trường lao động năm 2023 có diễn biến tích cực, song có thể sẽ xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ ở khu vực phía nam và tình hình sản xuất còn khó khăn khi nhiều DN ngành dệt may, giày da vẫn chật vật tìm kiếm đơn hàng cho tới tháng 6. Điều này đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa trong các chính sách an sinh, phúc lợi để thu hút, giữ chân NLĐ một cách bền vững.
Bình luận (0)