Lo ngại Trung Quốc giảm phát
Được xem là động lực then chốt của kinh tế khu vực, kinh tế Trung Quốc đại lục vẫn chưa có tín hiệu khả quan đáng kể.
Tờ Nikkei Asia hôm qua (13.10) dẫn số liệu do Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tháng 9 không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá thực phẩm giảm đối với các mặt hàng chủ chốt bao gồm thịt gia cầm, thịt lợn và rau. Giá thực phẩm tại Trung Quốc đã giảm vào tháng 7 rồi tăng trở lại với mức 0,1% vào tháng 8 khi chi phí năng lượng tăng lên. Kết quả trên khiến kịch bản kinh tế Trung Quốc giảm phát vẫn chưa được xóa bỏ.
Qua đó, ông Robert Carnell, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn tài chính ING, nhận định: "Dữ liệu giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 9 cho thấy dù gần đây, một số chỉ số hoạt động ổn định nhưng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn còn nhiều thách thức".
Bên cạnh đó, cũng theo kết quả thống kê trên, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 9 đã giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, mức giảm này đã cải thiện hơn so với mức giảm 8,8% trong tháng 8. Tính tổng từ tháng 1 - 9, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, từ tháng 1 - 9.2022, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang hầu hết các thị trường đều giảm. Cụ thể, xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ và EU - đều là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc - giảm lần lượt 16,4% và 10,6%, còn xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á giảm 4,8%. Ngược lại, tổng nhập khẩu của Trung Quốc từ 3 khu vực vừa nêu cũng giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021. Nga là thị trường hiếm hoi mà kim ngạch thương mại tăng trưởng cả 2 chiều với Trung Quốc. Cụ thể, từ tháng 1 - 9 vừa qua so với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga tăng 56,9% và nhập khẩu tăng 12,7%.
Hạ mức dự báo tăng trưởng khu vực
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chưa phục hồi mạnh mẽ, nền kinh tế của khu vực cũng bị hạ mức dự báo tăng trưởng.
Theo báo cáo vừa được công bố bởi Ngân hàng Thế giới (WB) cuối tuần trước về tình hình kinh tế khu vực, kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 5% trong năm nay, tức thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo của WB đưa ra vào tháng 4. Trong khi đó, kinh tế của phần còn lại ở Đông Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng trung bình là 4,6% vào năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của các nền kinh tế này vào năm 2022 là 5,8%. Con số 4,6% cũng giảm đáng kể so với mức dự báo tăng trưởng 4,9% được đưa ra vào tháng 4.2023.
Xa hơn, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tăng trưởng 4,5% vào năm 2024. Trong đó, riêng Trung Quốc thì dự báo mức tăng trưởng chỉ đạt 4,4% trong năm 2024 vì nhiều yếu tố. Các thị trường còn lại trong khu vực được dự báo có mức tăng trưởng trung bình khoảng 4,7% trong năm 2024.
Theo WB, bên cạnh sự suy giảm tăng trưởng đầu tư, Đông Á - Thái Bình Dương còn bị sụt giảm về xuất khẩu là những nguyên nhân khiến cho kinh tế khu vực tăng trưởng chậm. Trong đó, tình hình chung của kinh tế thế giới khiến cho xuất khẩu của khu vực bị giảm sút.
Ngoài ra, chuỗi giá trị toàn cầu là một tập hợp phức tạp, từ đầu vào trung gian được sản xuất ở nhiều quốc gia và xuất khẩu đến điểm cuối cùng để lắp ráp, đóng gói. Mức độ thiếu ổn định của kinh tế chung và những diễn biến căng thẳng chính trị ở một số bên cũng khiến tốc độ đầu tư bị chậm lại. Điều này cũng tác động lớn đến tổng thể nền kinh tế.
Bên cạnh đó, trái phiếu doanh nghiệp tăng lên ở các nền kinh tế trong khu vực. Khi trái phiếu doanh nghiệp ngày càng lớn hơn thì có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng đầu tư tư nhân. Khi doanh nghiệp vay nợ nhiều hơn trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thì dễ dẫn đến việc còn ít nguồn lực để đầu tư vào các dự án mới hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh. Tình trạng này cũng có thể dẫn đến giảm tốc độ tăng trưởng đầu tư tư nhân.
Bình luận (0)