Kinh tế Nhật Bản có thể 'trật đường ray' vì khủng hoảng chính trị

02/08/2017 15:51 GMT+7

Khi lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng tín nhiệm, nhiều câu hỏi được đặt ra về tương lai của ông và chương trình kinh tế mang tên ông.

Theo CNBC, mức ủng hộ dành cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa hạ xuống dưới 30%, mức thấp nhất từ trước đến nay. Từ tháng 5, người đứng đầu đảng Dân chủ Tự do (LDP) bị buộc tội giúp đỡ Kake Gakuen, tổ chức giáo dục của người bạn lâu năm của ông Abe, nhận được sự chấp thuận xây trường thú y ở khu kinh tế đặc biệt. Thủ tướng Nhật phủ nhận cáo buộc trên song vụ bê bối vẫn khiến đảng LDP thất bại trong cuộc bầu cử tháng 7 ở Tokyo.
Tiếng tăm của ông Abe cũng sụt giảm vì nhiều vấn đề khác, trong đó có vấn đề tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Tuần trước, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada từ chức vì lo ngại bà đã giúp che giấu nhiều hồ sơ nói về sự nguy hiểm mà lực lượng gìn giữ hòa bình Nhật Bản phải đối mặt tại Nam Sudan.
Thủ tướng Nhật hiện điều chỉnh nội các nhằm tăng cường sự ủng hộ của người dân song chưa rõ liệu ông có thể giữ ghế trước cuộc bầu cử kế tiếp diễn ra vào tháng 9.2018 hay không.
Capital Economics nhận định: “Có khả năng thực sự rằng ông Abe sẽ rời khỏi văn phòng trước cuộc bầu cử lập pháp tiếp theo. Nếu ông rời ghế, một trong những câu hỏi quan trọng nhất là liệu kế hoạch vực dậy kinh tế Nhật Bản của ông, được biết đến với tên gọi Abenomics, có đi xuống cùng ông hay không”.
Chính sách tài khóa, nới lỏng tiền tệ và cải cách cơ cấu là ba cột trụ của Abenomics. Tokyo đã thực hiện hai biện pháp đầu tiên, song việc thứ ba vẫn còn đang trong giai đoạn triển khai. Khi sức mạnh chính trị yếu đi, cải cách được cho là cũng sẽ ít được quan tâm hơn vì ông Abe phải tập trung khôi phục danh tiếng của mình.
“Vụ bê bối này là mối đe dọa nghiêm trọng với Abenomics vì tỷ lệ chấp thuận giảm trước khi các cải cách quan trọng được thực hiện. Chính phủ cần tỷ lệ ủng hộ cao từ người dân để thực hiện nhiều cải cách cần thiết, vốn có thể tác động tiêu cực đến người dân vì gây ra mất việc làm”, chuyên gia kinh tế Kohei Iwahara tại Natixis Japan Securities nói.
Thực tế, ông Abe hiện có ít khả năng thực hiện cải cách cơ cấu gây tranh cãi, còn được biết đến với cái tên Mũi tên thứ ba, thông qua chương trình chính trị. Phó chủ tịch Tobias Harris của Teneo Intelligence nói: “Sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng là vốn chính trị giúp ông Abe theo đuổi nhiều cải cách gây tranh cãi. Giờ đây khi sự ủng hộ dành giảm đi, ông sẽ càng gặp khó trong việc thực hiện quyết định chính sách đầy rủi ro”.
Các cải cách then chốt còn đang chờ gồm sự thay đổi trong thị trường lao động để nâng lương bổng, và ưu đãi về an sinh xã hội để thúc đẩy phụ nữ tham gia vào thị trường lao động.
Song ngay cả khi vấp phải nhiều bê bối trong nội các, Abenomics vẫn được kỳ vọng sẽ tồn tại dưới dạng “bình cũ rượu mới”. Chuyên gia Iwahara cho hay: “Bình cũ sẽ đơn giản là được đổi nhãn từ Abenomics sang Xxnomics, với XX là tên của Thủ tướng Nhật Bản mới. Thật không may, chưa có cuộc tranh luận chính sách lớn nào ở Nhật Bản có thể thay thế Abenomics, vì vậy các thành phần quan trọng của Abenomics vẫn sẽ còn nguyên”.
Nếu ông Abe rời ghế trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida rất có thể là người kế nhiệm ông, chuyên gia Harris dự báo. Ông Kishida có khả năng từ bỏ toàn bộ di sản của ông Abe, song không cắt đứt hoàn toàn với chính sách Abenomics.

tin liên quan

Nhật Bản đưa hơn 300 công ty vào danh sách đen
Đây là động thái mới nhất của chính phủ quốc gia Đông Á nhằm bảo vệ người lao động khỏi bị ngược đãi và ngăn ngừa thực trạng 'karoshi', hay chết vì làm việc quá sức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.