Theo CNN, cuộc trưng cầu dân ý cũng có ý nghĩa về mặt kinh tế với Tây Ban Nha và cả châu Âu. Sự kiện này diễn ra gần một thập niên sau khi quốc gia châu Âu trải qua khủng hoảng kinh tế và Catalonia là vùng có nền kinh tế hoạt động hiệu quả nhất.
Cụ thể, Catalonia chiếm gần 1/5 nền kinh tế Tây Ban Nha, dẫn đầu tất cả các vùng, sản xuất 25% lượng hàng xuất khẩu của nước này. Vùng này cũng đóng thuế nhiều hơn là nhận lợi ích từ thuế từ chính phủ. Những người ủng hộ ly khai nắm bắt yếu tố mất cân bằng này và lập luận rằng nếu ngừng đóng thuế cho Madrid, Catalonia sẽ thặng dư ngân sách.
Catalonia cũng có lịch sử thu hút đầu tư mạnh. 1/3 doanh nghiệp ngoại ở Tây Ban Nha chọn Barcelona, thủ phủ của vùng này, làm nơi đặt trụ sở. Trong số các hãng này có nhà sản xuất ô tô Volkswagen và Nissan. Cả hai đều đặt nhà máy gần Barcelona.
Dù vậy, tương lai của Catalonia đối mặt với rất nhiều câu hỏi, trong đó có nghi vấn về vấn đề tiếp tục là thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Nếu Catalonia bị buộc phải đăng ký làm thành viên EU một cách độc lập, vùng này sẽ phải thuyết phục tất cả thành viên hiện tại của khối đồng ý, trong đó có Tây Ban Nha.
Giới chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Berenberg Bank nhận định: “Chúng tôi không thấy có cách nào để Catalonia trở thành một quốc gia độc lập trong EU như đa phần những người ủng hộ ly khai mong muốn”. Việc rút khỏi EU sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Catalonia đến các nước nội khối EU và nhiều quốc gia khác.
“Vùng này sẽ đứng vào hàng một vài nước khác không là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng nghĩa với việc họ đối mặt với nhiều rào cản thương mại đáng kể”, nhà kinh tế Stephen Brown tại Capital Economics cho hay. Ông Brown nói rằng rút khỏi EU còn khiến hàng nhập khẩu tăng giá và kéo cảnh thất nghiệp tăng lên.
Ly khai cũng có thể khiến chính quyền vùng Catalonia tốn kém nhiều hơn trong việc đi vay. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s và S&P đều hạ xếp hạng nợ của Catalonia vào năm 2016. Vùng này có thể tiếp tục sử dụng đồng euro làm tiền tệ, song sẽ không có chỗ tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Đối với Tây Ban Nha, Catalonia ly khai sẽ để lại lỗ hổng tài chính trong nước, làm gia tăng sự thiếu chắc chắn. Việc tuyên bố độc lập đơn phương cũng tương tự như việc từ chối chia sẻ một phần gánh nặng nợ quốc gia với Tây Ban Nha. Niềm tin kinh doanh và tiêu dùng ở quốc gia châu Âu có thể lao dốc.
Kathleen Brooks, giám đốc nghiên cứu tại City Index, cho hay nếu Catalonia ly khai, đồng euro có thể giảm đến 5% giá trị. Đồng tiền chung châu Âu đã hạ khoảng 0,3% so với USD trong phiên giao dịch sáng nay 2.10 tại châu Á.
tin liên quan
90% cử tri Catalonia chọn ly khai Tây Ban NhaChính quyền Catalonia tuyên bố có đến 90% số người bỏ phiếu đã chọn ly khai khỏi Tây Ban Nha trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 1.10.
Bình luận (0)