Kinh tế Trung Quốc suy yếu, Nga quay sang bán dầu cho Ấn Độ

14/09/2015 17:12 GMT+7

(TNO) Trước lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã quay sang bắt tay cùng Trung Quốc. Song hiện tại, khi nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng yếu đi, Nga cố gắng bán dầu khí của họ cho nền kinh tế đứng thứ 8 toàn cầu: Ấn Độ.

(TNO) Trước lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã quay sang bắt tay cùng Trung Quốc. Song hiện tại, khi nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng yếu đi, Nga cố gắng bán dầu khí của họ cho nền kinh tế đứng thứ 8 toàn cầu: Ấn Độ.

Ba lãnh đạo các nước Nga, Trung Quốc và Ấn Độ (từ trái sang) - Ảnh: Reuters
Theo trang Business Insider hôm nay 14.9, trong cuộc gặp của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 3.9 vừa qua, hãng dầu khí CNPC (Trung Quốc) và ông lớn năng lượng Nga Gazprom ký một bản ghi nhớ về dự án thứ ba mà hai nước này hợp tác trong 5 năm tới.
Mặc dù bản ghi nhớ mới nhất được coi là có lợi cho cả đôi bên, nhiều người vẫn đang e ngại về tình trạng trì hoãn trong các thỏa thuận Nga - Trung trước đó.
Tháng 5.2014, Nga và Trung Quốc cùng ký một thỏa thuận khí đốt, đồng ý xây dựng hai đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga sang quốc gia châu Á. Thế nhưng, dự án đường ống thứ hai đã bị đình chỉ vào tháng 6 vừa rồi.
Thêm vào đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc và thị trường chứng khoán nước này cũng trải qua những đợt “rung lắc” mạnh. Nga hiện rất thận trọng với các kế hoạch đầu tư của Trung Quốc.
Thống kê từ InvestorIntel thậm chí cho biết xuất khẩu từ Nga vào Đại lục đã giảm 20% so với năm ngoái. Trung Quốc chỉ đầu tư chưa đến 1,6 tỉ USD vào Nga trong năm qua, trong khi đó nước Nga lại đổ vào kinh tế Trung Quốc đến 151,5 tỉ USD.
Vì những yếu tố trên, Nga đang tăng cường sự hiện diện của nước này trong nền kinh tế Ấn Độ. Với lượng cầu năng lượng lớn và nền kinh tế sôi nổi, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ được cho là sẽ vượt Trung Quốc trong năm 2015, 2016, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Sau Đại lục, Ấn Độ là sự lựa chọn tốt tiếp theo cho Nga trong việc tăng cường quan hệ với châu Á và giải thoát nước nhà khỏi lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - Ảnh: Reuters
Trước Hội nghị thường niên Ấn Độ - Nga tổ chức ở New Dehli hồi tháng 12.2014, dầu nhập khẩu từ Nga vào Ấn Độ chỉ ở mức dưới 1%. Tại hội nghị, ông Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký nhiều hiệp định song phương quan trọng, trong đó có việc hợp tác ở lĩnh vực năng lượng như cùng thăm dò, sản xuất dầu khí.
Hãng năng lượng Nga Rosneft và công ty dầu khí Ấn Độ Essar Oil cũng bắt tay nhau trong một thỏa thuận hợp tác trị giá nhiều triệu USD vào ngày 8.7. Trước đó, tại hội nghị Ấn - Nga vào năm ngoái, Rosneft đã có thỏa thuận cung cấp gần 10 triệu tấn dầu thô/năm cho Essar Oil trong vòng 10 năm. Hai hãng này có kế hoạch tăng gấp 3 lần số lượng trạm xăng dầu tại Ấn Độ trong 2 năm tới.
Việc Nga đầu tư vào Ấn Độ là một trong những chiến lược được coi trọng. Ngoài thỏa thuận với Essar, đại gia dầu khí Rosneft còn bán 15% cổ phần trong công ty con Vankorneft của mình cho công ty quốc doanh Oil and Natural Gas Corporation Limited của Ấn Độ với giá 1,25 tỉ USD.
Năm 2007, Tổng thống Nga từng dự báo rằng đến năm 2025, lần lượt 35% dầu thô và 25% khí đốt xuất khẩu của nước này sẽ tiến đến Đại lục. Ông Putin thậm chí còn nói rằng Tung quốc sẽ trở thành đối tác thương mại chính của Nga, vượt qua châu Âu vào năm 2030.
Song với tình hình kinh tế của nước bạn và chuyện các dự án “treo”, dự báo này đã trở thành kỳ vọng quá lạc quan.
Mặt khác, Nga vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ thị trường châu Âu. Hãng Gazprom mới đây công bố một thỏa thuận “hoán đổi tài sản” với các đối tác châu Âu gồm hãng BASF, Royal Dutch Shell, E.ON và OMV.
Động thái này sẽ tăng cường quan hệ hợp tác Nga - EU trong thời gian tới, có thể gia tăng sự hiện diện của Nga ở châu Âu. Đổi lại, EU sẽ mua nhiều khí đốt của Nga hơn.
Dù vậy, thực tế châu Âu đã không còn là một thị trường đầy tiềm năng còn Trung Quốc thì đang tăng trưởng chững lại, rất có thể thời gian tới, sự ưu ái sẽ thuộc về Ấn Độ. Nước Nga hoàn toàn có lý do để làm điều đó, khi Trung Quốc là cỗ máy tăng trưởng toàn cầu nhưng trong tương lai, rất có thể Ấn Độ mới là quốc gia nhận danh hiệu trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.