Kinh tế Việt Nam - Canada bổ trợ cho nhau hơn là cạnh tranh

Chí Hiếu
Chí Hiếu
09/06/2018 09:18 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nền kinh tế hai nước Việt Nam và Canada có tính bổ trợ cao cho nhau hơn là tính cạnh tranh.

Chiều 8.6 (giờ địa phương), tức rạng sáng nay 9.6 theo giờ Việt Nam, tại thành phố Québec (Canada), trong khuôn khổ các hoạt động nhân chuyến thăm Canada và dự Hội nghị G7 mở rộng tổ chức tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Canada, đồng thời trả lời nhiều câu hỏi của các nhà đầu tư nước này.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước việc kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng cao, ổn định, đạt mức 3,5 tỉ USD trong năm 2017. Hiện Canada là nhà đầu tư lớn với hơn 5,1 tỉ USD tại Việt Nam. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, nền kinh tế hai nước hoàn toàn có thể bổ trợ cho nhau hơn là cạnh tranh, như đó là nền nông nghiệp Việt Nam nhiều sản phẩm ngon, lạ trong khi Canada là quốc gia có nguồn năng lượng sạch, nền công nghiệp dược và thực phẩm nổi tiếng thế giới. “Cùng với việc chúng ta vừa ký kết tham gia CP TPP hồi tháng 3, tôi tin tưởng Việt Nam sẽ sớm đón một làn sóng đầu tư lớn từ các doanh nghiệp Canada”, Thủ tướng nói.

Trước đó, Thủ tướng đã đã điểm qua một vài nét ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam thời gia qua. Đó là bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2017 đạt nhiều kỷ lục như tăng trưởng GDP đạt 6,81%, và con số này của quý 1/2018 là 7,38% - mức cao nhất trong 10 năm. GDP năm 2017 đạt 240 tỉ USD, quy mô thương mại đạt 425 tỉ USD, thu hút FDI khoảng 37 tỉ USD.

Việt Nam dần trở thành thị trường có sức mua lớn với thu nhập bình quân của 93 triệu dân đạt khoảng 2.400 USD (tính theo ngang giá sức mua là 6.800 USD). Bên cạnh đó, các định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á vừa qua nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 là 6,5 - 7,1%.

Thứ hai, năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh được cải thiện căn bản. Các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài như Eurocham, Jetro, Amcham, Cancham, Kocham… đều coi Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên trong ASEAN. Theo công bố của Ngân hàng Thế giới năm 2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp hạng 68/190 quốc gia (tăng 30 bậc so với năm 2012); theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh Việt Nam đứng thứ 55/137 nước. Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới, Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam đứng thứ 47/127 quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, đến nay, Việt Nam đã thu hút được 325 tỉ USD vốn FDI đăng ký từ 127 quốc gia, đối tác. Trong đó, có rất nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia đã lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Tháng 5 vừa qua, hãng Moody`s nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên triển vọng tích cực B1. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ BB- lên BB…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.