Đất nước đào tạo hàng chục ngàn người dân xuất ngoại

14/03/2016 11:23 GMT+7

Philippines là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực châu Á, song lại không có đủ việc làm cho người dân. Mỗi năm, chính phủ Philippines đào tạo hàng chục ngàn người để tìm việc ở nước ngoài.

Philippines là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực châu Á, song lại không có đủ việc làm cho người dân. Mỗi năm, chính phủ Philippines đào tạo hàng chục ngàn người để tìm việc ở nước ngoài.

Học viên một trường dạy nấu ăn ở Manila đang chuẩn bị món tráng miệng - Ảnh: ReutersHọc viên một trường dạy nấu ăn ở Manila đang chuẩn bị món tráng miệng - Ảnh: Reuters
Khi phóng viên của hãng tin BBC đến Housemaids Academy ở thủ đô Manila, các học viên đang học bài học buổi sáng. Tất cả mặc đồng phục và dùng chổi quét các góc phòng khách. Phía nhà bếp, một số học viên đang thực tập chuẩn bị salad.
Các trường học của chính phủ Philippines đào tạo hàng chục ngàn người giúp việc, tài xế, thợ máy và làm vườn mỗi năm với mục đích rõ ràng là để họ làm việc lâu dài ở nước ngoài.
Đối với quốc gia Đông Nam Á, hoạt động này là để đôi bên cùng có lợi. Hiện có khoảng 10 triệu người Philippines sống ở nước ngoài và gửi ngoại tệ về cho đất nước - yếu tố huyết mạch của nền kinh tế Philippines. Sự di cư của công dân Philipines đóng vai trò như một chiếc van an toàn cho đất nước gặp khó trong việc cung cấp công ăn việc làm cho số dân tăng lên hơn 2 triệu người mỗi năm.
“Chúng tôi tự hào về công việc mình đang làm. Chúng tôi là những người anh hùng dân tộc”, một thực tập sinh giúp việc tên Maria chia sẻ. “Anh hùng dân tộc” là cụm từ đầu tiên trong chiến dịch tuyên truyền của chính phủ và 20 phụ nữ trẻ mặc đồng phục đứng xung quanh phóng viên BBC đều muốn biến điều đó thành sự thật.
Khi được hỏi về việc rời bỏ gia đình để đến đất khách, một học viên tên Evelyn nói: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi có một em bé nhỏ ở nhà, nhưng không có cách nào để nuôi nó. Lương tôi kiếm được ở Kuwait là tiền mà mẹ tôi có thể dùng để nuôi nó”.
Nhiều người trong số các học viên gật đầu cảm thông với Evelyn. Gần như tất cả họ đều nhận thức rõ rằng mình phải đối mặt với cảnh chia ly con cái trong ít nhất ba năm tới, hoặc có thể lâu hơn. Họ sẽ làm việc ở một nền văn hóa xa lạ.
Nhân viên tổng đài ở Manila (Philippines) - Ảnh: Bloomberg
Cùng với số lao động ở nước ngoài, còn có một hiện tượng khác hỗ trợ kinh tế Philippines gọi là BPO hay gia công quy trình kinh doanh, giúp nước này nổi lên như một trung tâm hỗ trợ khách hàng hay tổng đài. Ngày càng có nhiều công ty phương Tây chuyển hoạt động của họ đến Philippines để có chi phí thấp.
“Chúng tôi đã vượt Ấn Độ”, Dyne Tubbs, một người quản lý các tổng đài của Transcom, nói trong tự hào khi được hỏi về nhân sự tổng đài viên người Philippines đang xử lý các cuộc gọi của khách hàng thay mặt một công ty chuyển phát bưu kiện Anh. Nửa đêm ở Manila là 16 giờ ở London, và đây là lúc các “đường dây nóng” thực sự nóng.
“Các doanh nghiệp Anh yêu thích chúng tôi bởi vì tiếng Anh của chúng tôi không nặng giọng. Các sinh viên giỏi nhất tốt nghiệp từ đại học phấn đấu để được làm ở đây. Chúng tôi chỉ chọn những người giỏi nhất”, Tubbs cho biết.
1/3 dân số Philippines ở độ tuổi dưới 15. Quốc gia châu Á hiện có tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng, song mức tăng vẫn sẽ không đủ để duy trì sự bền vững cho dân số tăng gấp đôi, từ 100 triệu đến 200 triệu người trong vòng 30 năm tới. Đó là lý do vì sao cô Jane Judilla - một nhân viên y tế dành cả ngày tại một số khu ổ chuột tồi tàn nhất thủ đô Manila - lại là người nắm giữ chìa khóa tương lai kinh tế Philippines.
Nhờ luật mới được chính phủ thông qua trong năm ngoái, cô Judilla hiện giúp những người nghèo nhất Philippines có đủ bao cao su, thuốc tránh thai và thậm chí vệ sinh cho những phụ nữ có nhu cầu. Nếu không có những nỗ lực kế hoạch hóa này, hàng chục triệu thanh niên Philippines tương lai sẽ mắc kẹt trong chiếc bẫy nghèo và phụ thuộc vào lực lượng lao động ở nước ngoài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.