Điều gì đằng sau cơn bão thâu tóm từ doanh nghiệp Trung Quốc?

01/04/2016 07:24 GMT+7

Từ đầu năm, hầu như không tuần nào trôi qua mà không có thông tin về thương vụ góp mặt công ty Trung Quốc. Đợt thâu tóm doanh nghiệp ngoại lần này của các công ty Đại lục thể hiện nhiều tham vọng.

Từ đầu năm, hầu như không tuần nào trôi qua mà không có thông tin về thương vụ góp mặt công ty Trung Quốc. Đợt thâu tóm doanh nghiệp ngoại lần này của các công ty Đại lục thể hiện nhiều tham vọng.

Ảnh: ShutterstockẢnh: Shutterstock
Mới đây, tập đoàn bảo hiểm Anbang Insurance Group của Trung Quốc chào mua hãng quản lý khách sạn Starwood Hotels & Resorts Worldwide lần thứ hai, liên tục nâng giá đề nghị để có thể thắng đối thủ Marriott International của Mỹ.
Dù Starwood có bắt tay với Anbang hay không, mức giá 14 tỉ USD mà Anbang đưa ra hôm 28.3 cũng thể hiện rất rõ tham vọng thâu tóm doanh nghiệp ngoại của các công ty Trung Quốc bây giờ không chỉ tập trung vào nguồn cung cấp hàng hóa và nguyên liệu thô thế giới.
Những nhà đầu tư giàu tiền mặt từ Đại lục đã và đang cố gắng đa dạng hóa tài sản thâu tóm từ dịch vụ khách sạn, nhà sản xuất cần cẩu, thuốc trừ sâu đến hãng sản xuất chất bán dẫn, hãng phim Hollywood. Họ mở rộng phạm vi ra các thị trường mới và nhiều lĩnh vực công nghệ trọng yếu.
Vì sao công ty Trung Quốc hăng hái M&A?
Doanh nghiệp Trung Quốc đang hăng hái đa dạng hóa danh mục đầu tư. Châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương là những điểm đến mục tiêu lớn nhất của các thương vụ từ Đại lục - Ảnh: Bloomberg
Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp Trung Quốc công bố tổng cộng 113 tỉ USD giá trị các thương vụ thâu tóm, sáp nhập (M&A). Trong đó, China National Chemical mua lại hãng sản xuất thuốc trừ sâu và hạt giống biến đổi gen Syngenta với giá 46 tỉ USD là thương vụ lớn nhất.
Cơn bão mua sắm phản ánh nỗ lực khuyến khích doanh nghiệp nước nhà học hỏi bí quyết và giành thị phần thông qua thương vụ với doanh nghiệp ngoại của chính phủ Trung Quốc. Khi nền kinh tế 10.400 tỉ USD tiếp tục giảm tốc, đây là lợi ích tiềm năng cho nhiều ngân hàng đầu tư và là mối lo ngại cho giới doanh nghiệp Mỹ, châu Âu - những đơn vị sẽ sớm đối mặt với đối thủ mới từ Trung Quốc.
“Chúng ta thấy thời đại doanh nghiệp Trung Quốc đang tới. Nó được dẫn dắt bởi chiến lược đầu tư thận trọng vào nhu cầu của tầng lớp trung lưu Đại lục. Có cơ hội thực sự để Trung Quốc nổi lên như một đối tác được lựa chọn ở mọi nơi trên thế giới, nếu họ chứng minh được chủ sở hữu có trách nhiệm và tính xây dựng”, chuyên gia về mua bán và sáp nhập (M&A) Hernan Cristerna tại ngân hàng JPMorgan Chase nói.
Chính phủ Đại lục khuyến khích M&A bằng cả cách tham gia trực tiếp với doanh nghiệp quốc doanh hay tăng mức tài trợ tài chính từ các ngân hàng nhà nước. Nội các Trung Quốc đã có ít nhất 10 lần tuyên bố chính thức, khuyến khích giao dịch nước ngoài từ đầu năm ngoái đến nay.
Người đứng đầu mảng M&A Trung Quốc tại Bank of America (BoA) cho hay: “Doanh nghiệp Trung Quốc vươn ra nước ngoài để củng cố triển vọng tăng trưởng. Chúng ta đang đứng giữa sự đa dạng hóa danh mục đầu tư lớn nhất lịch sử”.
Cả khi kinh tế nước nhà giảm tốc, doanh nghiệp Đại lục vẫn phô trương hỏa lực tài chính. Lượng tiền mặt trong bảng cân đối của các công ty nước này tăng 14%, đến 3.990 tỉ USD trong hai năm qua. Trong khi đó, nhân dân tệ (CNY) từng giao dịch với mức đáy 5 năm hồi tháng 1. CNY được giới chuyên gia dự báo là sẽ giảm thêm 4,2% đến quý 4/2016.
“Thời gian để vươn ra thế giới là ngay lúc này. Đang có dự báo về việc đồng tiền tiếp tục mất giá”, Zhao Longkai, giáo sư tài chính tại Trường Quản lý Guanghua của Đại học Bắc Kinh, nói.
Nhiều nghi ngại về doanh nghiệp Trung Quốc
Michel Demare, Chủ tịch  hãng sản xuất hóa chất nông nghiệp Thụy Sĩ Syngenta, phát biểu tại buổi họp báo hôm 3.2 trong lúc Chủ tịch China National Chemical, ông Ren Jianxin, lắng nghe - Ảnh: Reuters
Số doanh nghiệp lần đầu thực hiện thương vụ M&A, thiếu kinh nghiệm trong việc giao dịch ở nước ngoài, đồng nghĩa với việc “những doanh nghiệp muốn bán mình sẽ cẩn trọng rà soát chất lượng và sự chắc chắn của các lời chào mua”, chuyên gia M&A châu Á - Thái Bình Dương Mayooran Elalingam tại ngân hàng Deutsche Bank cho biết. Đây cũng có thể là lý do để nhiều công ty ngoại từ chối lời chào mua từ công ty Trung Quốc, ngay cả họ trả giá cao hơn nhiều đơn vị khác.
Đơn cử, China Resources Microelectronics thất bại trong nỗ lực thâu tóm doanh nghiệp ngoại đầu tiên của họ hồi tháng trước khi Fairchild Semiconductor International không chấp nhận lời chào mua 2,46 tỉ USD.
Đối với các công ty Trung Quốc đã hoàn tất thương vụ thâu tóm, thử thách tiếp theo sẽ là làm thế nào để quản lý tài sản vừa mua, cân bằng hợp lý giữa việc quản lý gián tiếp và trực tiếp.
Eric Thun, giáo sư tại Business School thuộc Oxford University cho hay cách tiếp quản của phía Trung Quốc thường đem lại kết quả là “một sự tự chủ lớn” và trong đa số trường hợp, doanh nghiệp Đại lục “không có khả năng quản lý các tài sản mới”. Ông Thun kết luận: “Đây không phải là các doanh nghiệp toàn cầu”.
Ngoài ra, doanh nghiệp Trung Quốc cũng chịu sự xem xét kỹ lượng từ các chính trị gia nơi họ chọn để đầu tư. Một nhà lập pháp ở Mỹ vừa yêu cầu Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ xem xét lại các thương vụ thâu tóm do doanh nghiệp ngoại thực hiện, đánh giá kỹ thương vụ hãng sản xuất thiết bị xây dựng Zoomlion của Trung Quốc chào mua hãng công nghiệp Terex - công ty vốn có hợp đồng quan trọng với quân đội Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.