Giá dầu vừa giảm mạnh nhất trong hai tháng qua sau khi cuộc họp của các nước sản xuất dầu thô không đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng.
Cuộc đàm phán ở Qatar về thỏa thuận đóng băng sản lượng thất bại do lập trường kiên quyết của Ả Rập Xê Út - Ảnh: AFP |
Theo Bloomberg và Reuters, đại diện các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới kết thúc cuộc họp ở Doha (Qatar) rạng sáng nay 18.4 mà không đạt được thỏa thuận nào về hạn chế nguồn cung. Giá dầu giao tương lai giảm 6,8% ở New York, mức giảm lớn nhất trong ngày kể từ ngày 1.2.
Bộ trưởng dầu mỏ của 18 nước có sản lượng dầu chiếm một nửa hạn ngạch thế giới đã có mặt ở Qatar. Hội nghị thượng đỉnh kéo dài trong hơn 10 giờ và có những trở ngại đáng kể cho việc thành hình thỏa thuận, sau khi Phó Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman cho biết nước này sẽ không kiềm chế sản xuất, nếu các nhà sản xuất chính khác trong đó có Iran không làm điều tương tự.
“Cuộc đàm phán vừa rồi là minh chứng cho thấy chính phủ Ả Rập Xê Út đã tuyên bố rõ ràng, họ không muốn nhường lại thị phần. Họ ngại rằng thế giới sẽ bước vào thị trường giá giảm trong thời gian dài. Họ đã học được từ những năm 1980 rằng trong một thị trường giảm giá, một khi họ nhường lại thị phần thì sẽ rất khó khăn để lấy lại”, chuyên gia nghiên cứu hàng hóa Ed Morse của hãng Citigroup nói.
Giá dầu WTI giao tháng 5 giảm 2,75 USD, xuống 37,61 USD/thùng ở New York (Mỹ). Dầu thô Brent giao tháng 6 giảm 3 USD, còn 40,1 USD/thùng ở London (Anh). Giá dầu giảm cũng tỷ lệ thuận với giá trị các loại tiền tệ phụ thuộc vào hàng hóa.
Chứng khoán châu Á cũng đi xuống theo giá dầu. Chỉ số MSCI bao quát các cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) hạ 0,5%. Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản giảm đến 2,7%, một phần vì tác động từ trận động đất vừa xảy ra ở tây nam Nhật Bản.
Cuộc họp vừa qua ở Qata là nỗ lực hợp tác đáng kể đầu tiên của các quốc gia là và không là thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Cuộc thảo luận về thỏa thuận chung bất thành khi Ả Rập Xê Út và các nước vùng Vịnh khác không đồng ý đóng băng hạn ngạch, trừ khi tất cả thành viên OPEC đều tham gia. Iran không gửi đại diện đến cuộc họp này.
Bình luận (0)